(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)
Chính quyền Mỹ hôm 14/7 (theo giờ địa phương) bắt đầu áp mức thuế chống phá giá 17% đối với cà chua tươi nhập khẩu từ Mexico, chính thức chấm dứt thỏa thuận thuế song phương được duy trì suốt gần ba thập kỷ qua.
Quyết định của Mỹ không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho Mexico, đe dọa sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân mà còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng nông sản giữa hai quốc gia láng giềng.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết việc áp thuế nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá, trong đó các doanh nghiệp Mexico bị cáo buộc xuất khẩu cà chua vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn chi phí sản xuất, làm tổn hại đến ngành nông nghiệp nội địa, đặc biệt tại các các vùng chuyên canh cà chua thuộc 2 bang miền Nam sát biên giới Mexico là Florida và California.
Trước đó, hồi năm 1996, Mỹ và Mexico ký Thỏa thuận Đình chỉ Thuế chống bán phá giá đối với cà chua tươi xuất khẩu từ Mexico sang Mỹ. Kể từ đó, thỏa thuận này đã hai nước được gia hạn, sửa đổi nhiều lần trước khi chính thức chấm dứt hiệu lực vào ngày 14/7/2025.
Theo đánh giá của Bộ Kinh tế Mexico, là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao nhất của Mexico, trong năm 2024, cà chua tươi của nước này đạt kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỷ USD, trong đó hơn 95% được xuất sang thị trường Mỹ.
Với mức thuế 17%, mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải gánh thêm hàng trăm triệu USD chi phí phát sinh, khiến mặt hàng này mất tính cạnh tranh so với cà chua sản xuất tại Mỹ hoặc từ các nguồn cung khác như Canada, Hà Lan.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 13/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Julio Berdegúe nhấn mạnh chính phủ Mexico bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định áp thuế của Mỹ, đồng thời khẳng định cà chua Mexico không dễ dàng bị thay thế trên thị trường Mỹ, nơi mà hơn 90% lượng cà chua tiêu dùng vào mùa Đông tại Mỹ đến từ quốc gia láng giềng phía Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Berdegúe cho biết các cơ quan liên quan Mexico sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán với các đối tác Mỹ nhằm cứu vãn cơ hội đình chỉ mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ vừa áp dụng, đồng thời yêu cầu phía Mỹ xem xét lại mức thuế theo hướng công bằng và dựa trên dữ liệu thực tế.
Về phần mình, Liên minh các nhà sản xuất Mexico (Coalicíon de Productores de Tomate de México) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà chua Mexico (Asociacíon Mexicana de Exportadores de Tomate) cùng đưa ra cảnh báo rằng nếu chính sách thuế tiếp tục được duy trì, thiệt hại kinh tế cho ngành cà chua của nước này có thể lên tới hơn 8 tỷ USD trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bang sản xuất chủ lực như Sinaloa, Baja California và San Luis Potosí.
Cùng lúc đó, các nhà nhập khẩu và phân phối nông sản tại Mỹ cho biết sau khi Mỹ áp dụng thuế bán phá giá 17% đối với cà chua nhập khẩu từ Mexico, giá bán lẻ sản phẩm nông sản này tại Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 10% đến 50% trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng cũng như hoạt động của ngành dịch vụ ăn uống.
Theo Bộ Kinh tế Mexico, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn nước này đã bắt đầu tính đến phương án đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các đối tác tại châu Âu và châu Á nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, chính phủ Mexico đang xem xét khả năng đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), hoặc áp thuế trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như thịt gà, ngũ cốc hoặc sữa.
Theo các chuyên gia kinh tế Mexico, chính phủ Mỹ và Mexico đều cần hành xử trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, bởi cà chua không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mexico, mà còn là biểu tượng của mối quan hệ thương mại đan xen sâu sắc giữa hai nền kinh tế. Việc giải quyết ổn thỏa tranh chấp này sẽ gửi đi thông điệp tích cực về cam kết duy trì sự ổn định và phát triển bền vững giữa các nước thành viên Hiệp định USMCA./.
(TTXVN/Vietnam+)