Đối thoại với Mỹ để có lợi thế tốt nhất
Theo công bố của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào nước này từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10%. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, trong đó với Việt Nam là mức 46%.
Như vậy, Việt Nam có gần 1 tuần trước khi bị áp dụng mức thuế này. Và các chuyên gia cho rằng lúc này là thời điểm Việt Nam cần nhanh chóng thảo luận, đàm phán với Mỹ để hạ mức thuế xuống thấp hơn.
Thậm chí, ngay bản thân các doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng cần rà soát lại hợp đồng và đàm phán lại giá với đối tác Mỹ để thương lượng chia sẻ chi phí thuế nhằm giảm rủi ro tài chính.
Việt Nam cần nhanh chóng thảo luận, đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế suất. (Ảnh minh họa)
Trả lời Báo điện tử VTC News, ông Bill Nguyen, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu Cainver nêu quan điểm: “Tôi mong muốn các nhà làm chính sách, ngoại giao đàm phán lại mức thuế hợp lý. Và cũng phải giải thích để người Mỹ hiểu, vì bản chất của nền kinh tế gia công hàng hóa như Việt Nam thì nguyên vật liệu nhập từ Mỹ, Canada hoặc châu Âu. Chúng ta gia công hàng hóa dựa trên đơn hàng rồi xuất lại vào các thị trường Mỹ, châu Âu, tức mình đang thâm hụt lao động.
Chúng ta không chủ động về nguyên liệu từ vải, gỗ thậm chí là phụ kiện gần như nhập để gia công, tức mình đang thâm hụt lao động. Nên việc đánh thuế này là đánh vào chính người lao động. Trước mắt nếu áp dụng thì người lao động khó khăn đầu tiên”.
GS.TS Vũ Minh Khương cũng cho rằng càng sớm càng tốt, Việt Nam nên tiến hành thảo luận ngay với phía Mỹ, đảm bảo sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ được thụ hưởng chính sách ưu đãi cao nhất có thể.
Ông Khương dẫn giải mô hình từ Singapore đã được Mỹ đánh giá cao. Theo đó, Hiệp định thương mại tự do Singapore và Mỹ (USSFTA) có hiệu lực từ năm 2004 đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Singapore.
"Lâu nay Việt Nam áp thuế 0% với các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do, nhưng với Mỹ chúng ta vẫn áp thuế như một quốc gia thông thường. Vừa rồi, chúng ta có giảm mức thuế này xuống đáng kể nhưng vẫn còn cao và phía Mỹ coi là chưa thực sự công bằng", ông Khương nói.
Chính vì thế theo ông Khương, Việt Nam cần nhanh chóng thảo luận trực tiếp với Mỹ để đi đến một kết luận có lợi hơn, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đề xuất: “Chúng ta cần làm rõ lại cách tính thuế của Mỹ để có thể đàm phán lại mức thuế suất phù hợp và công bằng hơn”.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nói: “Chúng ta cũng cần tiếp tục đàm phán để giảm bớt thuế quan, phải kiên trì đối thoại để có lợi thế tốt nhất cho chúng ta”.
Việc đàm phán với Mỹ có vẻ cũng là giải pháp đã được Chính phủ Việt Nam định hướng và sớm thực hiện. Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ ngày 6/4 đến ngày 14/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tham dự chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), thăm làm việc tại Mỹ và thăm chính thức Cộng hòa Cuba.
Chuyến công tác tại Mỹ của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc diễn ra trong bối cảnh hiện nay được kỳ vọng sẽ giúp đàm phán, thay đổi lại việc đánh thuế đối ứng mà chính quyền tổng thống Mỹ đưa ra đối với Việt Nam.
Trong buổi họp với các bộ ngành sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Tăng nhập hàng Mỹ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
TS Lê Duy Bình phân tích, khi nhìn vào bảng tính thuế của ông Trump, có thể thấy ông nhắm vào các quốc gia có tỷ trọng thâm hụt thương mại khá lớn so với Mỹ, đồng thời có tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa thấp từ Mỹ.
Theo công bố của Mỹ, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này là 136,6 tỷ USD và ngược lại Việt Nam mua hàng hóa từ Mỹ là 13,1 tỷ USD. Mỹ bị thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ 90%. Như vậy Mỹ chọn mức thuế đối ứng khoảng 1/2 của tỷ lệ nói trên nhưng chọn cao hơn là 46% (thay vì 45%).
Hay như Campuchia xuất khẩu vào Mỹ 12 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ 0,3 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Campuchia là 11,7 tỷ USD, tương ứng 97,5% và Mỹ áp thuế đối ứng cho Campuchia ở mức 49%.
“Vì thế, để hạn chế điều này, chúng ta nên có giải pháp giảm thâm hụt thương mại từ Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ thay cho một số thị trường khác. Trong đó, Việt Nam có thể tập trung vào các mặt hàng công nghệ cao để phục vụ cho quá trình hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việt Nam cũng có thể mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch.
Một lĩnh vực khác có thể giúp Việt Nam gia tăng nhập khẩu từ Mỹ là hàng không và công nghệ cao. Các hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet đã ký các hợp đồng mua máy bay Boeing nhưng có thể đẩy nhanh quá trình nhận hàng để tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ”, ông Bình đề xuất.
Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt, chủ động và có chiến lược. (Ảnh minh họa)
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trước một chính sách mang tính "cú sốc toàn cầu" như vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt, chủ động và có chiến lược bài bản.
Trong đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là việc phải làm gấp vì hiện tại tỷ lệ phụ thuộc vào thị trường Mỹ là quá lớn. Vì thế, cần tăng cường tìm kiếm đơn hàng tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, ASEAN, Trung Đông, tận dụng các FTA đã ký (EVFTA, RCEP, CPTPP…).
Ngoài ra, ông Quốc Anh cho rằng, doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư theo hướng “xanh - số - bền vững”, tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế, tối ưu năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải carbon là xu thế bắt buộc.
“Doanh nghiệp nào đi trước sẽ đứng vững lâu dài”, ông nhấn mạnh.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Quốc Anh cho rằng việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và chính sách quốc gia của chúng ta tái định vị lại chiến lược phát triển - thị trường - mô hình sản xuất.
Tương tự, ông Bill Nguyen nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt không thể hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ nhờ lao động rẻ nữa, mà phải nâng cao giá trị sản phẩm lên, đầu tư về công nghệ, thiết kế, để tối ưu hóa sản xuất, phù hợp với thị hiếu của thị trường.
“Chú ý là phải đa dạng thị trường, đừng có nên để trứng vào một giỏ, không chỉ phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Ngoài xuất khẩu thị trường nội địa với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng ngày càng lớn. Ví dụ như ngành nội thất hiện nay các doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh rất tốt ở Việt Nam thì mình không thể bỏ qua.
Thời gian tới là có thể là khó khăn đối với doanh nghiệp, nên đòi hỏi sự chủ động hơn. Có thể đây là thách thức rất là lớn, buộc doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh và đa dạng thị trường.
Về mặt nào đó chúng tôi thấy tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều đã có sự chuẩn bị trước với những bất ổn của thị trường. Ví dụ ngành gỗ đã có sự chuẩn bị tương đối sớm, từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump.
Doanh nghiệp cứ tập trung vào việc mình làm tốt, hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rõ ràng, thì không lý do gì mình không bán được hàng”, ông phân tích.
Lấy ví dụ từ chính đơn vị mình, ông Mã Thành Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn quốc tế CIB, cho biế,t trước mắt, để đối phó với tình hình áp thuế của Mỹ, doanh nghiệp đang tìm hướng mở rộng thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm các thị trường thay thế, hoặc tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
Doanh nghiệp cũng có thể chủ động chuyển dịch một phần quá trình sản xuất hoặc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giảm bớt tác động của thuế quan từ Mỹ.
Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thích ứng, chú ý đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu thông qua các Hiệp định thương mại.
Các nhà làm chính sách cũng cần thường xuyên chia sẻ thông tin và định hướng cho các doanh nghiệp, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang các thị trường mới, tập trung vào các mặt hàng ít cạnh tranh hơn.
Thành Lâm - Phạm Duy- Hà Linh