Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Việt Nam cần tận dụng 'thời gian vàng' để bảo vệ quyền lợi

Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Việt Nam cần tận dụng 'thời gian vàng' để bảo vệ quyền lợi
7 ngày trướcBài gốc
Tận dụng “thời gian vàng” để đàm phán
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng sẽ áp cho Việt Nam chính thức từ ngày 9/4. Nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh thương mại toàn cầu không ngừng biến động, các biện pháp thuế đối ứng ngày càng trở thành công cụ quan trọng để các quốc gia bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, thuế đối ứng trở thành vấn đề quan trọng cần được đàm phán, thương lượng để đảm bảo lợi ích song phương.
Một trong những thời điểm lý tưởng để đàm phán thuế đối ứng là trước khi biện pháp thuế được chính thức thực thi. Khi một quốc gia công bố kế hoạch áp dụng thuế mới, các bên liên quan có cơ hội thảo luận và tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực. Việt Nam có một số lợi thế nhất định khi đàm phán thuế quan với Mỹ. Chính phủ cần tận dụng “thời gian vàng” tiếp tục đàm phán, giảm thuế và tăng nhập khẩu hàng Mỹ để thể hiện thiện chí trong cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước.
Theo TS.Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, con số thuế suất đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra được tính bằng chênh lệch thương mại hai chiều giữa hai nước, chia đôi và làm tròn lên. Ví dụ, năm 2024, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam và Mỹ là 136,6 tỷ đô la, trong đó VN xuất đi 123,5 tỷ, chiếm 90,4%, chia đôi và làm tròn số lên sẽ là 46% - “thuế suất đối ứng” áp cho Việt Nam.
“Chúng ta cần hiểu rằng 46% không phải là thuế suất đánh vào các hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ. Đây là con số phía Mỹ chỉ ra sự nghiêm trọng trong chênh lệch thương mại hai chiều và để họ make deal (thương lượng). Việc của Việt Nam cần làm lúc này là tập trung đàm phán để có kết quả tốt nhất. Cụ thể là mức thuế áp với từng loại hàng hóa”, ông Du nhấn mạnh.
Ngoại giao tích cực, linh hoạt trong chính sách
Cũng theo các chuyên gia, trước khi bước vào đàm phán, các bên cần thu thập đầy đủ thông tin về tác động của thuế đối ứng, các lựa chọn thay thế và các lợi ích tiềm năng khi đạt được thỏa thuận. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp tăng tính thuyết phục và tạo ra lợi thế trong quá trình đàm phán.
Việc hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành, các tổ chức thương mại và chính phủ có thể giúp tạo ra sức ép lớn hơn trong đàm phán. Khi có nhiều bên cùng chung mục tiêu, khả năng đạt được thỏa thuận có lợi sẽ cao hơn.
Các bên cần có sự linh hoạt trong quá trình đàm phán. Điều này bao gồm khả năng điều chỉnh các đề xuất để phù hợp với tình hình thực tế, cũng như sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.
Theo đánh giá của ông Rich McClellan, chuyên gia tư vấn độc lập cho chiến lược đầu tư và kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam, đây không phải là thời điểm để Việt Nam có phản ứng thụ động. Việt Nam phải có động thái ngoại giao tích cực, có thông điệp rõ ràng và cho thấy sự linh hoạt trong chính sách.
Để ứng phó với các chính sách thuế của Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc tìm kiếm giải pháp thích hợp. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc cải tiến chất lượng hàng hóa và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu khả năng bị áp thuế chống bán phá giá mà còn tăng cường sức cạnh tranh trong thị trường Mỹ.
Đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ mà nên mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc hay các thị trường khu vực Đông Nam Á. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro khi Mỹ thay đổi chính sách thuế mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các chính sách thuế của Mỹ. Chính phủ cần tăng cường các biện pháp đàm phán thương mại, tranh tụng tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và thực hiện các quy định về thuế, tiêu chuẩn sản phẩm của Mỹ.
Ánh Phương/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-doi-ung-46-viet-nam-can-tan-dung-thoi-gian-vang-de-bao-ve-quyen-loi-post1189599.vov