Cả thế giới đều hiểu, 90 ngày là dành cho những cuộc đàm phán song phương giữa các quốc gia với Mỹ. Việt Nam là một trong những nước bị tuyên bố đánh thuế nặng nề nhất, không còn cách nào khác phải tranh thủ thời cơ để đàm phán và chốt được một mức thuế khả dĩ nhất, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi nhất trong quá trình xuất khẩu tới đây.
Dù tất cả những cơ sở mà phía Mỹ đưa ra để đánh thuế lên Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào đều đang gây tranh cãi gay gắt vì tính hợp lý. Từ công thức tính thuế, đến cách đội ngũ của ông Trump lựa chọn những tham số được trích dẫn từ các báo cáo nghiên cứu, đều được chỉ ra là chưa chính xác. Dù vậy,Việt Nam vẫn phải thương lượng dựa trên những cơ sở họ đưa ra.
Ông Hồ Đức Phớc đã bay sang Mỹ để đàm phán với vai trò là đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông đi cùng các quan chức, chuyên gia và các lãnh đạo doanh nghiệp.
Thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, Vietnam Airlines và Vietjet, hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đã có những thỏa thuận với các tổ chức tín dụng về các khoản tài trợ hàng trăm triệu USD. Cụ thể, Vietnam Airlines đã ký biên bản ghi nhớ với Citi Bank - một trong những nhà băng hàng đầu nước Mỹ về thỏa thuận tài trợ 560 triệu USD cho các dự án tăng mở rộng đường bay, năng lực khai thác. Hãng hàng không Vietjet và AV AirFinance cũng vừa ký kết thỏa thuận tài chính trị giá 300 triệu USD nhằm phát triển đội tàu bay thế hệ mới.
Thực tế, những thỏa thuận hay biên bản ghi nhớ chưa biết sẽ được hiện thực hóa như thế nào nhưng thông thường, các hãng bay sẽ ký các hợp đồng tín dụng với các tổ chức tài chính nước ngoài là để nhập khẩu máy bay. Bởi giá trị một chiếc máy bay cũng từ 200 triệu USD trở lên và không một hãng bay nào có thể dùng vốn tự có để mua được cả. Điều này có nghĩa, khả năng các hãng bay Việt Nam sẽ mua máy bay từ Mỹ thông qua các khoản tín dụng được hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng.
Trong báo cáo kiểm toán mới nhất vào năm 2023 của Vietjet, công ty có các khoản vay, thuê tài chính với các tổ chức tín dụng nước ngoài với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Vietjet chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2024, nhưng tình hình cũng không quá khác biệt. Vietnam Airlines cũng tương tự. Tính đến cuối năm 2024, công ty có tổng cộng hơn 6.500 tỷ đồng thuê tài chính từ các tổ chức nước ngoài, trong đó Citi Bank là hơn 1.200 tỷ đồng. Vietnam Airlines hay Vietjet đều đang trong giai đoạn phục hồi sau Covid 19. Việc mua tài sản hàng nghìn tỷ đồng, vay nợ thêm hàng nghìn tỷ đồng là điều họ cực kỳ cân nhắc thận trọng.
Việc ký kết các thỏa thuận tín dụng, dù chỉ là thỏa thuận thôi, đã cho thấy các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ mạnh mẽ đến thế nào. Mỗi chiếc máy bay mua về giúp thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ giảm đi hàng trăm triệu USD. Điều này có ý nghĩa to lớn trong những cuộc đàm phán tới đây giữa Việt Nam và Mỹ.
Giờ là lúc các doanh nghiệp lớn sát cánh cùng Chính phủ, để Việt Nam cùng bước vào cuộc chơi thuế quan với rất nhiều thua thiệt và khó lường.
Minh Thư