Thức ăn “ngốn hết” lợi nhuận!?
Bất chấp khó khăn và suy thoái kinh tế, ngành tôm Việt Nam năm 2024 vượt qua nhiều thách thức để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023 và góp phần quan trọng vào kỷ lục 10 tỷ USD của ngành thủy sản. Trong đó, dẫn đầu là sự đóng góp của 3 tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ÐBSCL như: Cà Mau với kim ngạch xuất khẩu con tôm đạt 1.265 triệu USD, Bạc Liêu 1.210 triệu USD và Sóc Trăng hơn 900 triệu USD...
Việc áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tuy chưa diễn ra, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc ứng phó với các kịch bản xấu, nếu như mức thuế sau 90 ngày đàm phán không giảm hoặc giảm không nhiều.
Thực tiễn từ thị trường tiêu thụ con tôm xuất khẩu những năm qua cho thấy Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu tôm truyền thống lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, với giá trị kim ngạch dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ USD. Vì vậy, với mức thuế 46% không được điều chỉnh giảm sau đàm phán, chắc chắn con tôm xuất vào thị trường Mỹ sẽ tự “đóng cửa”. Với mức thuế này, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có thua lỗ, nhất là trong điều kiện giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam quá cao và không cạnh tranh nổi với con tôm nguyên liệu và cả con tôm xuất khẩu từ các nước nuôi tôm lớn như Ấn Ðộ và Ecuador.
Quan tâm đến vấn đề này vì giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam đã vượt mức chịu đựng của nông dân và DN xuất khẩu. Phân tích chuỗi giá trị ngành tôm cho thấy, chiếm khoảng 60% lợi nhuận mang lại từ con tôm đều chủ động “chảy” vào túi của các DN chế biến thức ăn, thuốc thú y thủy sản và cả con giống. Trong khi phần lớn thị trường béo bở này với trên 90% nằm trong tay quản lý sản xuất, cung cấp từ nước ngoài.
Chế biến thủy sản xuất khẩu là thế mạnh kinh tế hàng đầu của khu vực ÐBSCL.
Ðiều đó cũng đồng nghĩa với việc để có được hơn 30% lợi nhuận, nông dân, DN xuất khẩu phải chấp nhận đánh đổi rủi ro và lợi nhuận ròng đều chảy vào khâu cung cấp đầu vào. Hay nói cách khác là DN hoặc đại lý kinh doanh thức ăn, cung cấp vật tư, thuốc thủy sản từ ngay khâu đầu tiên của suốt quá trình nuôi tôm, họ đã cầm chắc lợi nhuận. Ðó là chưa tính đến kê lãi khi phải mua thức ăn nợ và thanh toán nợ sau thu hoạch.
Ông Trần Thanh Triều, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, có 10 ha nuôi tôm công nghệ cao, cho biết: “Nông dân nào cũng biết việc tiếp cận nguồn thức ăn (đầu vào) trực tiếp từ nhà máy sản xuất sẽ giúp người nuôi tôm tiết kiệm khoảng 50% chi phí, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên gia đình phải mua trả chậm qua các đại lý. Ðiều này khiến giá thành sản xuất tôm tăng cao”.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, Kinh doanh nuôi tôm công nghệ cao, dẫn chứng, thức ăn cho tôm loại 40 đạm, mua qua đại lý giá 40 ngàn đồng/kg, trong khi mua trực tiếp từ nhà máy chỉ 27-28 ngàn đồng/kg, tức mỗi tấn thức ăn mua qua đại lý cao hơn 12-13 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Nhiệm, với quy mô diện tích nuôi thực tế của trang trại ông là 12.000 m2, nếu mua qua đại lý, mỗi vụ nuôi chi phí cao hơn khoảng 700 triệu đồng so với mua trực tiếp từ nhà máy.
Cần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng
Thực tiễn cho thấy, giá thức ăn cho tôm ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước khác, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Thị trường thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào các nhà sản xuất quốc tế với các thương hiệu nước ngoài như: Grobest, CP, Tomway... chiếm hơn 95% nguồn cung cấp thức ăn cho con tôm trên thị trường hiện nay. Trong khi chi phí thức ăn thường chiếm khoảng 60% tổng chi phí sản xuất cho mỗi ký tôm.
Hơn nữa, giá thức ăn luôn có xu hướng tăng cao mà không giảm theo biến động kinh tế. Trong khi đó, Thái Lan và Ecuador có nguồn nguyên liệu phong phú và giá cả cạnh tranh hơn. Ðồng thời, các trang trại lớn nuôi tôm ở Thái lan, Ecuador mua thức ăn, thuốc thủy sản, vật tư... trực tiếp từ nhà máy thức ăn, công ty bán vật tư hoặc nhà phân phối cấp 1, nên không phải gánh thêm các khoản chi phí phát sinh hay qua nhiều khâu trung gian như ở Việt Nam.
Chính sức ép này đã đẩy nhiều hộ nuôi tôm “chậm lớn”, khi tất cả chi phí đầu tư đầu vào đều bị thức ăn “ngốn hết”, dẫn đến thực trạng trúng tôm nhưng vẫn lỗ nếu như tôm bị mất giá. Người nuôi tôm phải “cõng” thêm khoản chi phí phát sinh rất lớn khác chính là lãi phát sinh từ việc mua nợ thức ăn từ các đại lý theo hình thức đến cuối vụ, thu hoạch mới thanh toán, gần như hơn 90% lỗ vốn là do phải trả tiền chi phí đầu tư cho thức ăn.
Theo ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu: Thức ăn cho tôm của Việt Nam phần lớn bị các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại châu Á chi phối, như: CP Việt Nam (CP Foods, Thái Lan), Grobest Việt Nam (Ðài Loan), Sheng Long Biotech (công ty con của Guangdong Haid, Trung Quốc), Uni-President (Ðài Loan) và Evergreen (Trung Quốc). Qua thống kê cho thấy, tổng lượng cung hằng năm cho tôm ước khoảng trên 1 triệu tấn các loại, được các công ty thiết lập hệ thống phân phối đến tận tay người nuôi (thông thường phải qua ít nhất 2 cấp đại lý). Vì vậy, giá bán đến người tiêu dùng chênh lệch so với giá xuất xưởng từ 20-30%. Ðây chính là nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất con tôm của nông dân Việt Nam tăng cao so với các nước khác (được đầu tư thức ăn trực tiếp từ nhà máy).
Nông dân sử dụng thuốc thú y thủy sản phục vụ nuôi tôm.
Từ thực trạng của chuỗi giá trị ngành tôm cho thấy, rất cần cuộc cách mạng trong tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho ngành tôm, khi ngành này quyết định đến tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh ven biển khu vực ÐBSCL. Qua đó, góp phần giảm áp lực về thị trường tiêu thụ lớn khi bị biến động, tăng khả năng cạnh tranh đối với các nước cùng mặt hàng cũng như cơ cấu lại ngành hàng, tăng tỷ trọng của con tôm chế biến sâu, mang lại nhiều giá trị gia tăng.
Muốn giải bài toán giá thành, giúp nông dân, DN giảm chi phí, tăng lợi nhuận và chủ động tạo ra năng lực cạnh tranh thì cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm, xét về mặt chiến lược, rất cần những chính sách quản lý vĩ mô, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương, chứ không thể dừng ở cấp vùng, khu vực hay các tỉnh, thành phố có thế mạnh về xuất khẩu. Ðồng thời, cần tranh thủ, phát huy và tận dụng các hiệp định thương mại, cam kết hợp tác, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa sẽ là “cánh cửa” rộng mở hơn cho hàng hóa của Việt Nam trong điều kiện diễn biến bất lợi về thuế quan và các rào cản về kỹ thuật, chất lượng do các nước nhập khẩu đặt ra./.
Lư Dũng - Hoàng Lam