Mức thuế "cơ bản" ban đầu là 10% do các nhà nhập khẩu Mỹ trả có hiệu lực tại các cảng biển, sân bay và kho hải quan của Mỹ lúc 00:01 thứ Bảy (5/4) theo giờ miền Đông (12h01 ngày 5/4 theo giờ Việt Nam).
Trong số các quốc gia đầu tiên bị áp thuế 10% là Úc, Vương quốc Anh, Brazil, Colombia, Argentina và Ả Rập Xê Út mặc dù họ có thâm hụt thương mại hàng hóa với Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Hải quan Mỹ đã bắt đầu thu thuế 10% với hầu hết mặt hàng nhập khầu vào nước này. Ảnh chụp màn hình
Sáng 4/4 (giờ Washington D.C), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thông báo trên mạng xã hội Truth Social về cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, khẳng định cuộc điện đàm “hiệu quả” đồng thời cảm ơn thiện chí của nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trên tài khoản cá nhân của mình, vị nguyên thủ Hoa Kỳ cho biết: "Tôi vừa có cuộc gọi rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống mức 0 nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước cảm ơn ông và nói rằng tôi mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần."
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.
(theo TTXVN)
Một bản tin của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã đưa ra thời hạn gia hạn là 51 ngày đối với hàng hóa được chất lên tàu hoặc quá cảnh đến Hoa Kỳ trước 00:01 thứ Bảy. Những hàng hóa này cần phải đến nơi trước ngày 27 tháng 5 để tránh mức thuế 10%.
Mức thuế quan "đối ứng" cao hơn của Mỹ, từ 11% đến 50%, dự kiến có hiệu lực vào thứ Tư tới đây, bắt đầu vào lúc 00:01 theo giờ miền Đông. Hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu sẽ phải chịu mức thuế 20%, trong khi hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%, nâng tổng mức thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc lên 54%.
Dù lệnh của ông Trump miễn thuế cho 1.000 danh mục sản phẩm như dược phẩm, urani và chất bán dẫn khỏi mức thuế mới, chính quyền Mỹ đang cân nhắc áp thuế mới đối với một số mặt hàng trong số đó.
Một số quốc gia hy vọng đạt được thỏa thuận với ông Trump và ngăn chặn hậu quả kinh tế trong khi những nơi khác cân nhắc các biện pháp đối phó.
Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp đối phó, bao gồm cả việc đánh thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Hoa Kỳ và hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm.
Thủ tướng Anh Keir Starmer viết trên tờ Telegraph rằng ông sẵn sàng "sử dụng chính sách công nghiệp để giúp bảo vệ doanh nghiệp Anh khỏi cơn bão", lưu ý rằng ưu tiên của ông là cố gắng đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, trong đó có thể bao gồm miễn thuế quan.
"Một cuộc chiến thương mại không có lợi cho bất kỳ ai. Chúng ta phải đoàn kết và kiên quyết bảo vệ công dân và doanh nghiệp của mình", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong bài đăng trên X.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ khởi hành đến Washington vào Chủ nhật để gặp ông Trump nhằm thảo luận về mức thuế quan mới 17% đối với Israel.
Các phương tiện truyền thông đưa tin Thủ tướng Shigeru Ishiba của Nhật Bản, quốc gia phải chịu mức thuế 24%, đang sắp xếp một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ.
Bộ trưởng Kinh tế Ý Giancarlo Giorgetti đã cảnh báo vào thứ Bảy về việc áp thuế trả đũa đối với Hoa Kỳ, phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh gần Milan rằng việc làm như vậy có thể gây ra thiệt hại.
Canada và Mexico được miễn các mức thuế mới nhất của Tổng thống Trump nhưng vẫn phải đối mặt với mức thuế 25% áp dụng gần đây đối với hàng hóa không tuân thủ quy tắc xuất xứ theo hiệp định thương mại Bắc Mỹ.
Hoàng Huy (theo AJ, Reuters, NCBC)