Theo giới quan sát, việc Mỹ âm thầm có chỗ đứng trong Liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (Tổ chức OPEC+) sẽ mang lại sự thay đổi lớn đối với thị trường năng lượng.
Một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn đó là mới đây 8 quốc gia cam kết cắt giảm sản lượng theo hạn ngạch "tự nguyện", đúng với tinh thần Thỏa thuận OPEC+, đã đồng ý tăng khai thác vào tháng 8/2025, cụ thể là thêm 548.000 thùng mỗi ngày.
"Thực tế trên đồng nghĩa với tốc độ tăng sản lượng hàng tháng đã gần về mốc 135.000 thùng mỗi ngày, con số trên có ý nghĩa rất quan trọng", chuyên gia về thị trường năng lượng và hàng hóa của hãng tin Bloomberg, ông Javier Blas đưa ra nhận xét.
Cần phải nói rõ, quyết định tăng sản lượng sau thời gian dài cắt giảm mạnh được thông qua dễ dàng đến mức nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ thậm chí còn không tiến hành họp trực tiếp.
Đáng nói là các thành viên OPEC+ cũng đồng ý không dừng lại ở đó và sẽ tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 9/2025.
Hiện tại, OPEC+ liên tục bơm thêm dầu khỏi mỏ, trong khi đó, sản lượng của Mỹ cũng lập mức cao lịch sử mới vào đầu năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì tình trạng này.
Thực tế trên có thể hiểu một cách đơn giản là Mỹ muốn giá dầu xuống thấp, trong khi đó Saudi Arabia - quốc gia lãnh đạo trên thực tế của Tổ chức OPEC+, về mặt nguyên tắc đã đồng ý với Washington và họ đang hành động cùng nhau.
"Chúng ta đều hiểu điều này sẽ dẫn đến kết cục nào, ngay cả những người lạc quan cũng hiểu rõ - đó là giá sẽ giảm xuống mức thấp nhất và dầu sẽ biến thành nước. Cuối cùng, Mỹ sẽ lấp đầy kho dự trữ chiến lược của mình", ông Blas nhận xét.
Như vậy rõ ràng thị trường năng lượng toàn cầu một lần nữa đang trượt vào các bước đi đầy tính toán.
Nước Mỹ trên thực tế đang liên kết chặt chẽ với quốc gia đứng đầu OPEC+ để ra chính sách, thực tế Washington đã trở thành một thành viên không chính thức của Liên minh, khi đạt được vị thế có lợi, từ đó đạt được các mục tiêu mà họ theo đuổi.
Chỉ có một điểm khác biệt là đại diện của Mỹ không công khai tham gia vào các cuộc họp của OPEC+, nhưng Washington lại có ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định cuối cùng thông qua đồng minh lớn Saudi Arabia.
Việt Dũng
Theo Bloomberg