Máy bay ném bom chiến lược B-1B "Lancer" sẽ được Không quân Mỹ cải tiến thiết kế để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Ảnh: Wiki.
B-1B “Lancer” sẽ được cải tiến thế nào?
B-1B “Lancer” từng là một trong những loại máy bay ném bom chiến lược chủ lực của Mỹ, hiện Không quân Mỹ còn vận hành 42 chiếc (kế hoạch tài khóa 2026 là nâng lên 44 chiếc), cùng với B-52 và B-2 tạo thành “bộ ba chiến lược” của lực lượng không quân Mỹ.
Máy bay B-1B có thiết kế khí động học với cánh cụp cánh xòe, góc cánh có thể thay đổi trong phạm vi từ 15° đến 67,5° ở 5 mức cố định. Biên chế kíp bay gồm 4 người; máy bay có chiều dài 44,5m, cao 10,4m, trọng lượng rỗng 86,183 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 216,634 tấn. B-1B được trang bị 4 động cơ phản lực F101-GE-102 có lực đẩy tăng lực tối đa mỗi chiếc hơn 13,6 tấn; tốc độ bay tối đa 1,25 Mach (trên cao) và 0,92 Mach (tầm thấp), trần bay tối đa 9.144m, tầm bay tối đa 12.000km và bán kính tác chiến 5.543km.
Hình vẽ các trạng thái, các góc nhìn của máy bay ném bom chiến lược B-1B. Ảnh: Wiki.
Hiện tại, phi đội máy bay ném bom siêu âm B-1B của Không quân Mỹ đang đối mặt với tình trạng khung thân xuống cấp và nhiệm vụ chiến đấu đơn nhất. Mặc dù Mỹ đang tăng tốc trang bị máy bay ném bom mới B-21 “Raider”, nhưng để duy trì năng lực răn đe chiến lược trên không trong thời gian chờ đợi, Không quân Mỹ vừa tiến hành loại biên một số B-1B, vừa tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả chiến đấu cho số còn lại để chúng tiếp tục được sử dụng.
B-1B hiện là loại máy bay có khả năng mang tải bên trong lớn nhất trong số các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, với 3 khoang bom (trước, giữa và sau), mỗi khoang có thể mang 8 quả bom (tên lửa) loại 900k g như tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM, tổng cộng 24 quả. Ngoài ra, B-1B vốn còn có 6 điểm treo bên ngoài thân, ban đầu dùng để mang 12 quả tên lửa hành trình không đối đất (ALCM) loại AGM-86B với đầu đạn hạt nhân W80 (mỗi điểm 2 quả).
Tuy nhiên, sau khi Mỹ và Nga ký kết Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), B-1B bị loại bỏ khả năng mang vũ khí hạt nhân, và toàn bộ các điểm treo ngoài bị loại bỏ, ngoại trừ vị trí phía dưới thân máy bay phía trước dùng để treo pod ngắm “Sniper”.
B-1B "Lancer" trong trạng thái bay với tốc độ siêu âm. Ảnh: Wiki.
Nay do Nga đã rút khỏi START và Mỹ-Nga hiện không ký kết hiệp ước mới, nên 6 điểm treo bên ngoài của B-1B có thể được sử dụng trở lại.
Đối với Không quân Mỹ, để nâng cao sức mạnh cho B-1B, phục hồi các điểm treo ngoài này là cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả nhất trong thời gian ngắn. Trọng tâm nâng cấp lần này là “Chương trình Giá treo hạng nặng bên ngoài” (External Heavy-Stores Pylon program). Theo đề án Dự toán ngân sách tài khóa 2026, Không quân Mỹ dự kiến chi hơn 50 triệu USD cho dự án này, nhằm trang bị cho mỗi B-1B 6 giá treo “modul mang tải thích ứng” (Load Adaptable Modular – LAM) do Boeing phát triển.
Giá treo LAM do Boeing tự tài trợ nghiên cứu, mỗi chiếc có thể mang tối đa 3,4 tấn vũ khí các loại gồm bom, tên lửa hoặc khí tài phụ trợ. Dự tính khi B-1B sử dụng toàn bộ 6 giá treo LAM bên ngoài, khả năng mang vũ khí sẽ tăng thêm khoảng 50%. Ví dụ, khi mang tên lửa hành trình JASSM/JASSM-ER, nếu chỉ sử dụng khoang bom bên trong, máy bay mang được 24 quả; còn khi sử dụng thêm 6 giá treo LAM bên ngoài, tổng số có thể lên tới 36 quả, một bước nhảy vọt về năng lực hủy diệt.
B-1B "Lancer" sẽ được Boeing tài trợ gắn thêm các giá treo bên ngoài, có thể hồi sinh mạnh mẽ trong kỷ nguyên vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: QQnews.
Sức mạnh chiến đấu của B-1B sẽ tăng đột biến
Trong thời gian còn phục vụ (ít nhất hơn 10 năm nữa), với vai trò là nền tảng chủ lực để không quân Mỹ ném bom phi hạt nhân từ không trung, việc được trang bị giá treo LAM sẽ giúp B-1B “Lancer” nâng cao đáng kể khả năng mang tải và tầm hoạt động. B-1B có thể tấn công nhiều mục tiêu mặt đất/mặt biển hơn trong mỗi lần xuất kích, hoặc cần ít máy bay hơn cho một nhiệm vụ lớn – từ đó giảm bớt chi phí vận hành.
Boeing tiết lộ, lần thiết kế mới giá treo rút ngắn thời gian phát triển được khoảng 2 năm, đồng thời giá LAM có tính linh hoạt cao, thích ứng được với nhiều loại vũ khí tương lai – đặc biệt là tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm HACM (Hypersonic Attack Cruise Missile).
HACM được Không quân Mỹ khởi xướng từ năm 2022, nhằm cho phép Mỹ tấn công từ xa vào các mục tiêu cố định, giá trị cao và nhạy cảm về thời gian trong môi trường đối kháng. Tên lửa này bay với vận tốc trên Mach 5, có khả năng cơ động trên đường bay, giúp tránh bị đánh chặn. Kết cấu gồm hai tầng: tầng đẩy và tầng hành trình dùng động cơ scramjet. Sau khi tách tầng đẩy, tầng hành trình sẽ tiếp tục bay và lao xuống tấn công mục tiêu.
Bộ Quốc phòng Mỹ kỳ vọng HACM có tầm bắn tới khoảng 1.900 km. Theo dự kiến, B-1B có thể mang tối đa 31 vũ khí siêu vượt âm (cả bên trong và bên ngoài), khiến nó trở thành “mũi nhọn tấn công siêu vượt âm” của Mỹ.
Rõ ràng, việc được trang bị giá treo bên ngoài mới sẽ giúp B-1B nâng cao hiệu quả tấn công không đối đất, tăng tính linh hoạt trong sử dụng chiến thuật, giảm chi phí chiến đấu, đồng thời bảo đảm khoảng trống năng lực cho Không quân Mỹ trong thời gian chờ đợi B-21 “Raider” ra mắt hàng loạt. Đây không chỉ là một giải pháp tình thế, mà còn có thể là sự hồi sinh mạnh mẽ cho huyền thoại B-1B “Lancer” trong kỷ nguyên vũ khí siêu vượt âm.
Thu Thủy