Ngày 2/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại cam kết giành lại kênh đào Panama, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động mạnh trong bối cảnh Mỹ và Panama mâu thuẫn liên quan đến sự hiện diện của Trung Quốc tại tuyến đường thủy quan trọng này.
Kênh đào Panama có vị trí chiến lược về vận tải biển tại Nam Mỹ (Ảnh: Britanica)
Căng thẳng xung quanh tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc kiểm soát lại kênh đào Panama dường như đã lắng xuống sau khi Ngoại trưởng Marco Rubio, đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới để gặp Tổng thống Panama Rául Mulino với hy vọng hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Tổng thống Panama nhấn mạnh với Ngoại trưởng Rubio rằng chủ quyền của Panama đối với kênh đào là vấn đề không phải tranh luận, song cho biết ông đã giải quyết những lo ngại của Washington về ảnh hưởng của Bắc Kinh xung quanh tuyến đường thủy này.
Theo đó, Panama sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ năm 2017 về việc Tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời ông Mulino tuyên bố sẽ nghiên cứu khả năng kết thúc sớm thỏa thuận nói trên.
Tổng thống Mulino khẳng định, Panama sẽ tìm cách hợp tác với Hoa Kỳ về các hoạt động đầu tư mới, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng. “Tôi nghĩ chuyến thăm của Ngoại trưởng đã mở ra cánh cửa để xây dựng các mối quan hệ mới nhằm gia tăng đầu tư của Mỹ vào Panama nhiều nhất có thể”, ông Mulino nói.
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Rubio bày tỏ những quan ngại của Mỹ về “quyền kiểm soát” của Trung Quốc đối với kênh đào Panama, và điều này có thể khiến Mỹ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình dựa trên một hiệp ước lâu đời về việc kênh đào duy trì tính trung lập.
Kênh đào đã được bàn giao lại cho Panama theo một hiệp ước năm 1977, trong đó cho phép Mỹ can thiệp quân sự nếu hoạt động của tuyến đường thủy này bị gián đoạn do xung đột nội bộ hoặc một thế lực nước ngoài. Ngày nay, lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào này nhiều hơn so với những năm do Mỹ kiểm soát.
Tổng thống Mulino đồng thời cho rằng sẽ khó có nguy cơ Mỹ sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Mulino cũng cho biết chính quyền Panama đang tiến hành kiểm toán Công ty Panama Ports Company, công ty con thuộc Tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) hiện vận hành hai cảng biển quanh kênh đào.
“Chúng tôi phải đợi cho đến khi cuộc kiểm toán đó kết thúc trước khi có thể đưa ra kết luận pháp lý và hành động phù hợp”, ông Mulino cho biết.
Hutchison Ports là một trong những nhà khai thác cảng lớn nhất thế giới, quản lý 53 cảng tại 24 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ như: Anh, Australia và Canada.
Theo các bài báo CNN đã đăng trước đây, Hutchison không kiểm soát quyền tiếp cận Kênh đào Panama. Công nhân làm việc tại hai cảng của họ chỉ bốc dỡ container lên tàu và cung cấp nhiên liệu. Ba cảng khác gần khu vực kênh đào Panama hiện được điều hành bởi các công ty cạnh tranh cung cấp các dịch vụ tương tự.
Hải Nam
CNN