Ông Marco Rubio phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng khi đề cử ông Marco Rubio vào vị trí Ngoại trưởng vào tháng 11, ông Donald Trump có lẽ đã hình dung về một chính quyền Mỹ mạnh mẽ, sôi động với những hành động quyết liệt và sớm giành được những thắng lợi rõ ràng.
Ngoại trưởng Rubio được biết đến là người thông thạo tiếng Tây Ban Nha, am hiểu sâu sắc về các yếu tố địa chính trị định hình khu vực Tây Bán Cầu. Chính điều này đã khiến Mỹ Latinh trở thành điểm đến trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông. Sự lựa chọn có vẻ khác thường, nhưng lại mang lại những kết quả thực tế cho chính quyền Trump.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Ngoại trưởng Rubio đã gây sức ép khiến Panama đưa ra những tín hiệu từ bỏ một thỏa thuận cơ sở hạ tầng quan trọng với Trung Quốc, giám sát việc thả 6 tù nhân người Mỹ khỏi Venezuela và giải quyết những bế tắc với Colombia. Những hành động này không chỉ củng cố uy tín của ông Rubio mà còn thể hiện phong cách chính sách đối ngoại mang tính “giao dịch” đặc trưng của chính quyền Trump.
Panama: Vạch ranh giới đỏ với Trung Quốc
Ngoại trưởng Rubio đã có cuộc gặp được nhận định là khá căng thẳng với Tổng thống Panama Jose Raul Mulino vào ngày 2/2. Tại đây, ông đã cảnh báo rằng Mỹ có thể xem xét lại lập trường của mình về kênh đào Panama do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Các công ty có trụ sở tại Hong Kong kiểm soát các điểm ra vào của kênh đào là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Điều đó không thể tiếp tục", ông Rubio tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trước chuyến đi.
Ông Rubio cũng nhắc đến khả năng Washington sẽ xem xét lại các điều khoản của hiệp ước kênh đào ban đầu - một thông điệp có tác động mạnh, khi Tổng thống Trump đã xem kênh đào này là biểu tượng cho lợi ích chiến lược của Mỹ ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong bản tóm tắt cuộc họp: "Ngoại trưởng Rubio đã nêu rõ rằng tình trạng hiện tại này là không thể chấp nhận được và nếu không có thay đổi ngay lập tức, Mỹ sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình theo hiệp ước".
Sự cứng rắn của Ngoại trưởng Rubio dường như đã có hiệu quả, khi Panama sau đó xác nhận sẽ không gia hạn thỏa thuận với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Venezuela: Chủ nghĩa thực dụng hơn ý thức hệ
Khi đối mặt với Venezuela, Ngoại trưởng Rubio không chỉ đơn thuần giữ quan điểm cứng rắn như trước đây mà còn thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán. Là một thượng nghị sĩ của bang Florida, ông từng là người chỉ trích mạnh mẽ Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, nhưng khi trở thành Ngoại trưởng, ông buộc phải tập trung vào các giải pháp thực tế hơn.
Dưới sự điều phối của Ngoại trưởng Rubio, chính quyền Trump đã giúp làm trung gian để đạt được một thỏa thuận với phía Caracas, dẫn đến việc thả 6 tù nhân người Mỹ. Đáng chú ý, đặc phái viên Richard Grenell đã đến tận Venezuela để gặp Tổng thống Maduro và trở về không chỉ với những công dân Mỹ được tự do mà còn với một cam kết quan trọng: Venezuela sẽ tiếp nhận những người Venezuela bị trục xuất từ Mỹ.
Thỏa thuận này là một chiến thắng ngoại giao đáng kể, nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước đây, Ngoại trưởng Rubio từng phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Maduro, nhưng nay ông lại đứng sau một thỏa thuận với chính nhà lãnh đạo này. Điều đó cho thấy, dưới thời chính quyền Trump, những ưu tiên thực tế như kiểm soát nhập cư và lợi ích dầu mỏ có thể quan trọng hơn những cam kết nhân quyền dài hạn.
Colombia: Phản ứng nhanh, kết quả tức thì
Một trong những thử thách đầu tiên của Rubio trên cương vị Ngoại trưởng là xử lý mối căng thẳng với Colombia, khi Tổng thống Gustavo Petro đột ngột từ chối tiếp nhận các chuyến bay trục xuất từ Mỹ. Động thái này thách thức trực tiếp tới những ưu tiên về chính sách nhập cư của Tổng thống Trump và đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ từ Washington.
Ngoại trưởng Rubio đã không ngần ngại áp dụng các biện pháp trừng phạt ngay lập tức. Bộ Ngoại giao Mỹ đình chỉ các dịch vụ lãnh sự tại Bogota, đồng thời Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ đã tăng cường kiểm tra hàng xuất khẩu của Colombia. Hành động quyết đoán này đã có tác dụng. Chỉ trong vòng 12 giờ, Chính phủ của Tổng thống Gustavo Petro đã phải đảo ngược quyết định và thậm chí còn sử dụng máy bay tổng thống để chở những người bị trục xuất khỏi biên giới Mỹ.
Đặc phái viên Mauricio Claver-Carone nhận định: " Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Việc này đã được thực hiện ngay vào sáng Chủ Nhật (2/2), nhờ sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Rubio".
USAID: Điều chỉnh ưu tiên viện trợ
Bên cạnh các hoạt động ngoại giao căng thẳng, Ngoại trưởng Rubio còn phải đối mặt với nhiệm vụ tái cơ cấu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Chính quyền Trump đã lên kế hoạch sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời cắt giảm đáng kể ngân sách và nhân sự của cơ quan này.
Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ông Rubio làm quyền Giám đốc của USAID, giao cho ông nhiệm vụ tái định hướng các khoản viện trợ sang các chương trình cứu trợ khẩn cấp thay vì hỗ trợ phát triển dài hạn. Điều này phản ánh sự thay đổi lớn trong ưu tiên viện trợ nước ngoài của Mỹ, vốn tập trung nhiều hơn vào lợi ích thực tế thay vì các sáng kiến nhân đạo.
Chỉ trong hai tuần đầu tiên, Ngoại trưởng Marco Rubio đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình trong việc thực thi chính sách đối ngoại theo phong cách của Tổng thống Trump. Từ việc đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Panama, đàm phán với Venezuela, đến xử lý nhanh chóng bế tắc với Colombia, ông đã định hình một chính sách mang tính “giao dịch” cao, ưu tiên những chiến thắng cụ thể hơn là những cam kết dài hạn.
Trong bối cảnh Trump tiếp tục củng cố quyền lực, Ngoại trưởng Rubio không chỉ đóng vai trò là một nhà ngoại giao mà còn là người thực hiện chiến lược toàn diện của Tổng thống Trump tại Tây Bán Cầu. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu sự cứng rắn và phong cách giao dịch của ông có thể mang lại một chính sách đối ngoại bền vững hay chỉ là những thắng lợi ngắn hạn? Câu trả lời sẽ chỉ rõ ràng theo thời gian.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Newsweek)