G7. Ảnh: EFE/EPA
Tờ Bloomberg hôm nay (15/4) trích dẫn các nguồn tin nắm được các cuộc trao đổi ngoại giao cho biết như vậy.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông tin, Nga sáng 13/4 đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trong đó có một tên lửa được trang bị bom chùm, vào thành phố Sumy ở phía đông bắc nước này. Theo ông Zelensky, cuộc tấn công làm ít nhất 35 người thiệt mạng và 119 người khác bị thương, trong đó có cả trẻ em. Kiev cho biết, đây là một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất nhằm vào Sumy trong suốt cuộc xung đột toàn diện giữa Nga - Ukraine.
Đại sứ quán Mỹ tại London, Anh hiện từ chối bình luận về thông tin trên. Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và chính phủ Canada cũng chưa phản hồi đề nghị bình luận của Bloomberg.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/4 đã xác nhận việc quân đội nước này mở một cuộc tập kích vào Sumy và mục tiêu nhắm tới là một cuộc họp của các chỉ huy quân sự Ukraine trong thành phố.
Canada, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7 đã nói với các nước thành viên khác rằng, tuyên bố chung của nhóm không thể được thông qua nếu thiếu sự ủng hộ của Mỹ. Theo dự thảo tuyên bố chung của G7 rò rỉ tới tay Bloomberg, nhóm dự kiến coi cuộc tấn công vào Sumy là bằng chứng cho thấy Nga quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu lên án vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump có giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Người đứng đầu nước Mỹ mô tả cuộc tấn công là khủng khiếp, nhưng có khả năng "xảy ra do nhầm lẫn". Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của "cuộc tấn công tên lửa kinh hoàng của Nga vào Sumy", nhưng không kêu gọi gia tăng áp lực lên Nga.
Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào tháng Một năm nay, ông Trump đã đảo ngược các chính sách đối ngoại của Mỹ về cuộc xung đột Nga - Ukraine, nối lại liên lạc trực tiếp với Moscow trong khi gây áp lực lên Kiev bằng cách tạm thời đình chỉ viện trợ quân sự quan trọng.
Hoài Linh