Mỹ chi 36 tỷ đô la nâng cấp quân đội

Mỹ chi 36 tỷ đô la nâng cấp quân đội
8 giờ trướcBài gốc
Thiết bị và xe quân sự của Quân đội Mỹ chuẩn bị đưa lên tàu để hồi hương từ Cảng Esbjerg trong Chiến dịch Raven Assistor ở Esbjerg, miền tây Đan Mạch, ngày 3/4/2025. Ảnh: Getty Images.
Cuộc đại tu trang thiết bị lớn cuối cùng của quân đội Mỹ diễn ra vào cuối những năm 1970 và giữa những năm 1980 với sự ra đời của hệ thống vũ khí “Big Five”: xe tăng M1 Abrams, xe chiến đấu M2/M3 Bradley, trực thăng tấn công AH-64 Apache, trực thăng đa dụng UH-60 Black Hawk và hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ký một bản ghi nhớ, chỉ đạo Lầu Năm Góc “xây dựng một lực lượng tinh gọn hơn, có sức sát thương cao hơn” bằng cách “loại bỏ các chương trình lỗi thời, dư thừa và không hiệu quả, cũng như tái cấu trúc trụ sở và hệ thống mua sắm”.
“Đồng thời, quân đội phải ưu tiên đầu tư theo chiến lược của chính quyền, đảm bảo các nguồn lực hiện có được ưu tiên để cải thiện khả năng hỏa lực chính xác tầm xa, phòng không và phòng thủ tên lửa bao gồm cả Golden Dome for America, tác chiến mạng, tác chiến điện tử và khả năng đối phó trên không”, Hegseth viết trong bản ghi nhớ.
Việc nâng cấp quân đội sẽ tốn 36 tỷ đô la trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm tài chính 2026, tức là từ ngày 1/7/2025.
Đại tá David Butler, phát ngôn viên của Quân đội Mỹ đã tiết lộ một số chi tiết cụ thể mà chính quyền đang muốn thực hiện, đồng thời cho biết “đây sẽ là sự thay đổi mang tính thế hệ đối với quân đội Mỹ”.
“Trong nhiều thập kỷ, hệ thống mua sắm quốc phòng đã lỗi thời”, Butler nói. "Bạn có thể thấy chiến trường ở Ukraine đang chuyển động về mặt công nghệ. Nó đang chuyển động rất nhanh, nó đang thay đổi nhanh chóng, 3 tuần một lần, nếu không muốn nói là nhanh hơn".
“Chúng ta đang chứng kiến điều tương tự ở Israel, cách quân đội Israel phải thích nghi và thay đổi”, Butler tiếp tục. “Hệ thống mua sắm quốc phòng của chúng ta không theo kịp điều đó, tôi không thể nói lý do tại sao chúng ta không thể làm được điều đó cho đến tận bây giờ”.
Theo Lầu Năm Góc, hệ thống mua sắm quốc phòng có mục đích “hỗ trợ Chiến lược Quốc phòng Quốc gia thông qua việc phát triển lực lượng sát thương dựa trên sự đổi mới công nghệ và hiệu suất mang lại lợi thế quân sự quyết định và bền vững” .
Quân đội Mỹ sẽ tìm cách trang bị cho mỗi sư đoàn đang hoạt động khoảng 1.000 máy bay không người lái, cũng như đầu tư vào công nghệ chống máy bay không người lái, bên cạnh việc đầu tư vào tác chiến điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.
Những cải tiến mà Butler đề cập nhằm mục đích “giảm dấu hiệu của chúng ta trên chiến trường” vì “chỉ cần một phát xạ điện tử cũng có thể tiết lộ vị trí của chúng ta và khiến chúng ta trở thành mục tiêu”.
Tuy nhiên, Giáo sư Neta C. Crawford chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Đại học Oxford, người đã viết nhiều về xu hướng chi tiêu quân sự của Mỹ và toàn cầu, cho biết: "Chi tiêu này làm suy yếu phần còn lại của nền kinh tế Mỹ. Nó không cần thiết. Bất kỳ ngân sách quốc phòng nào cũng cần được định hình bởi một chiến lược quân sự phù hợp với mối đe dọa. Trung Quốc hiện không phải là đối thủ của Mỹ, và Nga là một cường quốc quân sự suy yếu rất nhiều sau nhiều năm chiến đấu ở Ukraine".
TD
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/my-chi-36-ty-do-la-nang-cap-quan-doi-247696.htm