Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu

Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu
7 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh về việc nhập khẩu thép tại Phòng Bầu dục vào ngày 10-2. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại Phòng Bầu dục khi ký sắc lệnh, ông Trump khẳng định: "Hôm nay, tôi đã đơn giản hóa khoản thuế của chúng ta đối với thép và nhôm. Mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ". "Đây là một vấn đề lớn. Sự khởi đầu của hành trình làm cho nước Mỹ giàu có trở lại", ông Trump nói thêm. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết sẽ xem xét áp thêm thuế lên ô-tô, dược phẩm và chip máy tính.
Trước đó, Tổng thống Trump đã thông báo về việc áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế này cao hơn thuế kim loại nhập khẩu vào Mỹ hiện nay, đánh dấu một bước leo thang lớn khác trong cuộc cải tổ chính sách thương mại của ông Trump. Động thái này sẽ thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là áp thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ bằng mức thuế mà các đối tác thương mại áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Ai được lợi?
Theo giới phân tích, các hãng sản xuất nhôm, thép Mỹ là những bên hưởng lợi từ thuế nhập khẩu mới này. Thuế nhập khẩu sẽ khiến hàng nước ngoài vào Mỹ đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa các công ty trong nước cung cấp nhôm, thép có cơ hội vượt lên đối thủ ngoại, khi giá thép từ Canada, Brazil hay Mexico tăng đáng kể.
Cổ phiếu các hãng thép đã tăng mạnh trong phiên giao dịch 10-2. Philip Bell - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất thép Mỹ cho biết thuế nhập khẩu sẽ "cào bằng sân chơi" cho các công ty nội. Ông bác bỏ chỉ trích rằng chính sách thuế này chỉ làm tăng chi phí và không tạo ra lượng lớn việc làm cho ngành sản xuất. "Khi áp thuế nhập khẩu trên các lĩnh vực, tác động ngắn hạn là không tránh khỏi. Nhưng chính sách tập trung vào một số mặt hàng như nhôm thép, thì cần một thời gian nữa mới thấy rõ tác động dài hạn lên việc làm, giá cả", ông nói. Bên cạnh đó, ông Bell khẳng định mỗi việc làm được tạo ra trong ngành thép sẽ tạo thêm cơ hội mới cho các nhà thầu phụ, công nhân xây dựng, kỹ sư và thậm chí xe đồ ăn - loại thường đỗ ngoài các nhà máy thép để bán đồ ăn sáng hoặc trưa.
Trong khi đó, David McCall - Chủ tịch Hiệp hội Công nhân thép Mỹ lại cho rằng nước này cần phân biệt giữa "đối tác thương mại đáng tin cậy, như Canada, và các nước đang tìm cách lấn lướt Mỹ để thống trị thị trường toàn cầu". "Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm kiềm chế dư cung toàn cầu. Tình trạng này lâu nay đã cho phép các nước như Trung Quốc nhấn chìm thị trường bằng sản phẩm giá rẻ, khiến hàng nhập vào Mỹ qua Mexico tăng vọt. Dù vậy, Canada không phải là vấn đề của chúng ta", ông nói.
Lợi bất cập hại
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những biện pháp Mỹ áp dụng có tác động tích cực đến doanh nghiệp chế tạo sắt thép, nhưng về cơ bản lại gây hại cho nền kinh tế do làm tăng giá thành đối với các ngành công nghiệp khác. Mặc dù Mỹ không còn là nền kinh tế tập trung vào sản xuất như trước đây, nhưng nước này vẫn tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép và nhôm mỗi năm, cung cấp cho các ngành công nghiệp như sản xuất ô-tô, hàng không vũ trụ, sản xuất dầu, xây dựng và cơ sở hạ tầng như đường và cầu. Thuế quan sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong những ngành này do chi phí thép nhập khẩu tăng và vì các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước có thể tăng giá sản phẩm.
Nghiên cứu của Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC) chỉ ra rằng giá thành nhôm, thép tăng khiến chi phí sản xuất cho các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng nhiều nhôm, thép bị đội giá. Nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất là các công ty chế tạo máy, phụ tùng ô-tô, công cụ cầm tay. Tựu chung lại, những ngành tiêu thụ sắt thép ghi nhận mức sụt giảm sản lượng trị giá 3,48 tỷ USD do tác động của thuế, nhiều hơn mức giá trị mà ngành công nghiệp sắt thép Mỹ thu được.
Áp thuế chắc chắn sẽ khiến các đồng minh của Mỹ như Canada, Mexico, hai nước cung cấp chủ chốt hàng kim loại nhập khẩu cho Mỹ, rúng động. Thuế cũng có thể kích hoạt trả đũa nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, khiến nhiều ngành công nghiệp nội địa Mỹ sử dụng kim loại để chế tạo ô-tô, đóng gói đồ hộp và nhiều mặt hàng khác bất bình. Những ngành này sẽ phải đối mặt với giá thành tăng cao sau khi thuế có hiệu lực.
Chiến lược của ông Trump
Động thái đánh thuế mới tiếp nối chuỗi chính sách thương mại quyết liệt của ông Trump, qua đó làm rung chuyển thị trường tiền tệ toàn cầu. Nó cũng làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát lạm phát mới ở Mỹ và cuộc chiến với các đối tác thương mại lớn nhất của Washington. Khác với nhiệm kỳ trước khi ông Trump cũng dùng chiến thuật thuế quan để gây sức ép lên các nước, các quan chức chính quyền Trump 2.0 cho rằng những gì diễn ra trong ba tuần qua chỉ mới là một phần nhỏ trong chương trình nghị sự thương mại của ông Trump.
Ông Chad Bown, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump lần này cuối cùng sẽ lại áp dụng điều khoản miễn trừ với một số nước, hoặc một số ngành khỏi bị áp thuế. Thực tế là trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm trên phạm vi toàn cầu, khiến nhiều đồng minh như Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tức giận. Sau đó, ông đạt thỏa thuận với Australia, Hàn Quốc và Brazil; rút lại một phần rào cản thuế với Mexico, Canada sau khi hai nước láng giềng cùng Mỹ ký USMCA.
Những gì ông Trump làm cho đến nay đã đi theo đúng hướng mà ông đã tuyên bố khi nhậm chức rằng "một lượng tiền khổng lồ đổ vào kho bạc của chúng ta, đến từ các nguồn nước ngoài". Dù vậy cho đến nay, việc ông Trump nhanh chóng tạm ngưng áp thuế 25% thuế quan với Canada và Mexico vẫn gieo hy vọng cho các đối tác của Mỹ. "Tôi nghĩ điều này củng cố cảm giác ở phía bên này của Đại Tây Dương rằng cuối cùng ông ấy muốn đàm phán", một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu nói với Wall Street Journal.
AN BÌNH
EU sẽ đáp trả tương xứng
Ngoại trưởng Pháp Jean - Noel Barrot cho biết EU sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng với kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép. Ông Barrot nhấn mạnh: “Không có do dự nào khi chúng tôi phải bảo vệ lợi ích của mình”. Ông cũng nhắc nhở rằng Tổng thống Trump từng làm điều này năm 2018 và khi đó EU đã trả đũa. Khi được hỏi về danh sách các sản phẩm có thể bị áp thuế trả đũa, ông Barrot cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quyết định việc này. EC sau đó khẳng định sẽ phản ứng để bảo vệ lợi ích của EU nhưng sẽ tiếp tục chờ đợi cho đến khi nhận thông báo chính thức từ Mỹ.
Trong khi đó, Chính phủ Brazil có kế hoạch áp thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ nếu ông Trump thực thi mức thuế 25% đối với nhôm và thép. Quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nguồn cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ, và là thị trường hàng đầu của nhiều công ty công nghệ lớn.
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/my-chinh-thuc-ap-thue-25-doi-voi-thep-va-nhom-nhap-khau-post308540.html