Ứng phó với 'bão thuế quan' từ Mỹ

Ứng phó với 'bão thuế quan' từ Mỹ
3 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/3/2025. Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, trong đó có Việt Nam, Canada, Brazil và Mexico - những nhà cung cấp thép hàng đầu cho thị trường Mỹ - sẽ là những nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi sắc lệnh này.
Nước Mỹ dường như đã sẵn sàng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và trên hết là những chính sách khó đoán định và luôn thay đổi. Mặc dù không giống như chủ nghĩa biệt lập - lợi ích của Mỹ đòi hỏi Nhà Trắng phải tiếp tục can dự về mặt chính trị và quân sự trên thế giới - nhưng chắc chắn cường quốc số 1 thế giới sẽ lựa chọn kỹ về nơi mình tham gia, để hỗ trợ các mục tiêu quốc gia được xác định là hướng nội và cũng liên tục thay đổi.
Trước đó, mở màn tháng 2/2025, Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, riêng năng lượng nhập khẩu từ Canada được hưởng mức thuế 10%. Nhưng sau đó, lệnh "trảm" này đã được ông chủ Nhà Trắng hoãn lại 1 tháng.
Nhiều nhà quan sát cho rằng cho đến nay, có vẻ như Tổng thống Mỹ không muốn lật ngược chính sách thương mại lục địa mà muốn viết lại nó về cơ bản theo hướng có lợi cho Mỹ. Tam giác thương mại Mỹ - Mexico - Canada được coi là mối quan hệ "máu thịt" đối với cả ba nước. Canada và Mexico là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhất và thứ hai của Mỹ với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 680 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada và Mexico. Hoạt động xuất khẩu giữa Mỹ, Mexico và Canada hỗ trợ hơn 17 triệu việc làm. Mối quan hệ cộng sinh này còn được củng cố bởi Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), một phiên bản mới thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đã được đàm phán và hoàn tất trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump. Nhưng bất chấp những nền tảng tưởng vững như bàn thạch này, tam giác Bắc Mỹ đang bất ổn hơn bao giờ hết.
Các mức thuế mới của Mỹ chắc chắn sẽ gây tổn thương lớn đối với hoạt động thương mại trên khắp Bắc Mỹ, không chỉ vì khối lượng thương mại lớn, mà còn vì tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, chiếm khoảng 50% thương mại nội vùng. Những mức thuế này, vốn mâu thuẫn trực tiếp với sự hội nhập kinh tế sâu sắc trên khắp Bắc Mỹ, cũng sẽ gây tổn hại đến mục tiêu của chính quyền Mỹ là phát triển chuỗi cung ứng an toàn hơn và cạnh tranh với Trung Quốc. Ngư ông đắc lợi, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại trên khắp Bắc Mỹ, vì nó làm suy giảm nỗ lực của phương Tây muốn đưa chuỗi cung ứng tách khỏi Trung Quốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mức thuế 25% của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của chính nước Mỹ, tác động tiêu cực đến thị trường lao động, làm giảm tiền lương và đẩy giá cả tăng, đồng thời sự trả đũa của Canada và Mexico sẽ nhân lên những tổn thất kinh tế tại cả ba quốc gia.
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chưa bao giờ các nền kinh tế lại dễ bị tổn thương như hiện nay. Nhưng có thể, rủi ro lớn không nhất thiết đến từ thuế thép và nhôm của Mỹ, mà lại bắt nguồn từ một số biện pháp trả đũa. Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong một tuyên bố trước khi có lệnh chính thức từ Mỹ rằng khối này sẽ không ngần ngại trả đũa nếu Mỹ áp đặt mức thuế mới. EU, đặc biệt là Đức, là nhà xuất khẩu thép lớn sang Mỹ. Phải lưu ý rằng, vào ngày 10/2, thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ cũng đã có hiệu lực.
Cho dù phản ứng của các nước trước chính sách thuế quan mới của Mỹ là mềm mỏng, hay cứng rắn, hoặc áp dụng chiến thuật "câu giờ", thì việc phải thay đổi để thích ứng đã trở thành mệnh lệnh của thời cuộc.
Ngay sau Mỹ nổ loạt đạn đầu tiên nhằm vào Canada, Mexico và Trung Quốc, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã chỉ đạo thiết lập Bộ phận tư vấn tại Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) để ứng phó với biện pháp thuế quan của Mỹ. Bộ phận này sẽ hỗ trợ tư vấn cá nhân qua điện thoại và mạng Internet trực tuyến, đồng thời giới thiệu các chuyên gia pháp lý và thuế nếu doanh nghiệp đề xuất. Với mạng lưới văn phòng đại diện rộng khắp, JETRO sẽ hợp tác với 49 văn phòng trong nước, cũng như các văn phòng tại Mỹ, Canada, Mexico và Trung Quốc để thu thập thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nơi thách thức dường như đang lớn hơn nhiều so với cơ hội, các nền kinh tế đang cần hơn bao giờ hết một chính sách ứng phó chủ động, linh hoạt và yếu tố sáng tạo có lẽ nên giữ vai trò chủ đạo để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. Đây đều là những vấn đề căn cốt, mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó uyển chuyển trong ngắn hạn và cả giải pháp có tầm chiến lược lâu dài.
Khi một ông trùm kinh doanh đang tham vọng thay đổi để "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" với những chính sách đầy toan tính bất ngờ, thì mỗi nước đang có những hành động ứng phó thích hợp để những "cơn gió ngược" bên ngoài không làm lệch hướng của con tàu giữa biển khơi sóng gió thương trường. Hơn bao giờ hết, trong một thế giới đầy biến động, trí tuệ và sự ứng phó kịp thời sẽ là chiếc chìa khóa tháo gỡ những chướng ngại vật trên hành trình ra biển lớn.
Hương Giang (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ung-pho-voi-bao-thue-quantu-my-20250212141040415.htm