Những nước nào chịu ảnh hưởng từ việc áp thuế nhôm, thép của Mỹ?

Những nước nào chịu ảnh hưởng từ việc áp thuế nhôm, thép của Mỹ?
3 giờ trướcBài gốc
Bước ngoặt đối với ngành công nghiệp kim loại
Ngày 10/2, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, chính thức loại bỏ mọi ngoại lệ quốc gia, thỏa thuận hạn ngạch cũng như hàng trăm nghìn miễn trừ thuế quan đối với từng sản phẩm cụ thể của hai kim loại này. Mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 4/3, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại của Mỹ đối với ngành luyện kim toàn cầu.
Thép và nhôm là vật liệu cốt lõi của nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng như xây dựng, ô tô, hàng không vũ trụ và bao bì. Biện pháp này sẽ tác động trực tiếp đến hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác – những nước trước đây được hưởng các điều khoản miễn thuế.
Nguồn cung nội địa sụt giảm nghiêm trọng, đẩy Mỹ vào thế phụ thuộc vào nguồn hàng như thép, nhôm từ nước ngoài. Ảnh: Reuters.
Tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu nhôm của Mỹ đã trở nên đáng báo động trong hai thập kỷ qua. Dữ liệu cho thấy sản lượng nhôm luyện của Mỹ năm ngoái chỉ đạt 670.000 tấn, giảm mạnh so với mức 3,7 triệu tấn vào năm 2000.
Việc hàng loạt nhà máy đóng cửa, bao gồm các cơ sở tại Kentucky và Missouri, đã khiến nguồn cung nội địa sụt giảm nghiêm trọng, đẩy Mỹ vào thế phụ thuộc vào nguồn hàng từ nước ngoài.
Theo Viện Sắt và Thép Mỹ, lượng thép nhập khẩu chiếm khoảng 23% tổng nhu cầu tiêu thụ thép của Mỹ trong năm 2023, với ba quốc gia xuất khẩu lớn nhất là Canada, Brazil và Mexico. Riêng Canada, nhờ lợi thế nguồn thủy điện dồi dào hỗ trợ sản xuất kim loại, đã chiếm gần 80% tổng lượng nhôm nguyên sinh nhập khẩu vào Mỹ năm 2024.
Số liệu mới nhất của chính phủ Mỹ cũng cho thấy Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất vào thị trường Mỹ trong năm 2024, với khối lượng tăng đáng kể so với năm trước. Trong cùng năm, Mỹ nhập khẩu thép từ 79 quốc gia và nhôm từ 89 quốc gia, với tổng giá trị nhập khẩu hai mặt hàng này vượt 49 tỷ USD.
Việc áp thuế 25% sẽ tạo ra sự xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước gia tăng công suất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ngành công nghiệp luyện kim của Mỹ có đủ năng lực để lấp đầy khoảng trống nguồn cung hay không, nhất là khi nhu cầu thép và nhôm vẫn duy trì ở mức cao.
Những quốc gia nào chịu ảnh hưởng?
Chắc chắn Mỹ chính là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ chính sách thuế quan thương mại. Dữ liệu chính thức cho thấy nhập khẩu thép của Mỹ đã giảm mạnh trong thập kỷ qua, giảm 35% từ năm 2014 đến 2024, mặc dù mức nhập khẩu năm 2024 đạt 26,2 triệu tấn – tăng 2,5% so với năm trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự sụt giảm này có liên quan trực tiếp đến chính sách thuế quan mà chính quyền ông Trump áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong khi đó, nhập khẩu nhôm của Mỹ lại đi theo xu hướng ngược lại, tăng 14% trong cùng kỳ. Xuất khẩu kim loại của Mỹ cũng tăng dần kể từ năm 2020, phản ánh sự dịch chuyển trong cán cân thương mại kim loại toàn cầu.
Thực tế, kể từ đợt áp thuế đầu tiên vào năm 2018, Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong đầu tư vào ngành công nghiệp thép và nhôm. Các doanh nghiệp nội địa tận dụng cơ hội để mở rộng năng lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Dưới thời chính quyền ông Trump, thuế quan đã được áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu, đồng thời Mỹ cũng giới hạn khối lượng nhập khẩu từ các quốc gia như Hàn Quốc, Argentina và Úc.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện Mỹ, trong năm tháng đầu tiên sau khi chính sách thuế quan được áp dụng, chính phủ Mỹ đã thu về hơn 1,4 tỷ USD từ thuế nhập khẩu.
Việt Nam hiện nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng từ lệnh áp thuế của ông Trump. Ảnh: Hòa Phát.
Là hai trong số những nhà cung cấp thép và nhôm hàng đầu cho Mỹ, Canada và Mexico sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu thuế quan mới có hiệu lực, ngay cả khi các nước này từng được hưởng miễn trừ tạm thời.
Bên cạnh đó, các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng có thể đối mặt với tác động tiêu cực nếu chính quyền Trump tái áp dụng chính sách hạn chế thương mại đối với kim loại. Theo phân tích của CNBC, lượng thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 140% trong năm 2024 so với năm 2023, trong khi Đài Loan cũng tăng xuất khẩu thép sang Mỹ thêm 75% trong cùng kỳ.
Đức, một trong những quốc gia xuất khẩu thép lớn sang Mỹ, cũng có thể chịu tác động từ thuế quan mới. Tuy nhiên, Thyssenkrupp – một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu châu Âu – tỏ ra không quá lo ngại. Doanh nghiệp này cho biết thị trường châu Âu vẫn là trọng tâm, với chỉ một số sản phẩm chuyên biệt chất lượng cao được xuất khẩu sang Mỹ.
"Phần lớn doanh số của Thyssenkrupp tại Mỹ đến từ mảng thương mại và cung ứng cho ngành ô tô. Hoạt động sản xuất của chúng tôi tại Mỹ vẫn duy trì vị thế tốt, với phần lớn sản phẩm dành cho thị trường nội địa", đại diện công ty cho biết.
Thanh Thắng
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/nhung-nuoc-nao-chiu-anh-huong-tu-viec-ap-thue-nhom-thep-cua-my-192250211170644046.htm