Doanh nghiệp thép chịu tác động trái chiều trước chính sách thuế quan của Mỹ
Sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Phát biểu tại Phòng Bầu dục khi ký sắc lệnh, ông Trump khẳng định: "Hôm nay, tôi đã đơn giản hóa khoản thuế của chúng ta đối với thép và nhôm. Mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ”.
Trong phân tích mới đây, Chứng khoán KBSV chỉ ra rằng hoạt động xuất khẩu tôn mạ tới thị trường Mỹ - Mexico đóng góp 18,6% doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG), 26,2% doanh thu của Thép Nam Kim (mã: NKG) và gần 32% doanh thu của Tôn Đông Á (mã: GDA) trong năm 2024.
Các chuyên gia KBSV cho rằng các biện pháp thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực chung lên triển vọng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ. Trong đó, NKG sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỷ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico.
Ngược lại, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất từ các biện pháp CBPG nhờ các sản phẩm thép thượng nguồn (thép xây dựng, HRC) được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, kênh xuất khẩu đóng góp 30% tổng sản lượng. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu chính của HPG là các quốc gia thuộc ASEAN và Châu Á như Malaysia, Indonesia (chiếm 40% doanh thu xuất khẩu); còn doanh thu từ thị trường Mỹ - Mexico ước tính đóng góp 2,9% vào tổng doanh thu.
Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp khi HSG và NKG, là 2 đối tác lớn tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) lớn của Hòa Phát, đồng thời có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao – gặp khó khăn về thuế quan dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.
Chung góc nhìn này, Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá tác động của chính sách thuế quan mới lên mảng tôn mạ sẽ khá phân hóa. Trong đó, dự kiến NKG sẽ chịu áp lực lớn hơn HSG vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á và châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của HSG, và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.
Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp niêm yết.Nguồn: VSA, FiinProX, KBSV tổng hợp.
Các doanh nghiệp sản xuất sẽ gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa
Theo KBSV, xu hướng nội địa hóa đã diễn ra từ nửa sau năm 2024 sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước. So với vùng đỉnh quý I/2024, sản lượng xuất khẩu tôn mạ trong quý IV của HSG, NKG, GDA đã giảm lần lượt 19%, 31% và 28%. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của HPG cũng giảm 45%. Xu hướng này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo VCBS, tại thị trường nội địa, HSG và NKG vừa được hưởng lợi từ việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng lại có thể gặp bất lợi nếu sắp tới, Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Trang Mai