Mỹ chính thức áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu: Chuyện gì sẽ đến?

Mỹ chính thức áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu: Chuyện gì sẽ đến?
6 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donal Trump vừa tuyên bố áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 4-3 và không có ngoại lệ.
Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 đến nay. Như vậy, với chính sách thuế mới của Mỹ lần này, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Nhiều nước bị ảnh hưởng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trước khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế với hàng hóa từ một số quốc gia. Và ngay sau khi lên cầm quyền, ông đã thực hiện điều này với một loạt nước, với những mục đích khác nhau.
Ví dụ, ông Trump áp thuế với Mexico để nhằm giải quyết vấn đề nhập cư trái phép, với Canada để kiểm soát buôn lậu ma túy. Tuy nhiên sau khi Canada và Mexico đồng ý tăng cường các nỗ lực thực thi biên giới để trấn áp nhập cư và buôn lậu ma túy, Mỹ đã quyết định tạm dừng áp thuế trong 30 ngày đối với hai nước này.
Mỹ cũng áp thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc. Sau động thái này của Mỹ, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế bổ sung lên tới 15% với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Đó là áp thuế với các nước cụ thể, dù các mục đích là khác nhau nhưng đều dùng công cụ thuế quan, gây ra cuộc chiến tranh thương mại.
Theo giới phân tích, Hòa Phát ít chịu tác động từ việc Mỹ áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu. Ảnh: HPG News
Gần đây nhất, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế bổ sung 25% với thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mục đích để đưa ngành thép, nhôm của Mỹ phát triển trở lại.
"Hiện Mỹ nhập khẩu nhôm, thép một lượng khá lớn. Quyết định này của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn với các nước đang xuất khẩu nhiều thép, nhôm vào Mỹ" - ông Phương nhận xét.
Năm 2024, trong số 10 nước dẫn đầu xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ. Canada xếp vị trí thứ 1 với gần 7,6 tỉ USD. Brazil xếp thứ 2 với hơn 4,6 tỉ USD. Theo sau là Mexico, Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 8 với 983 triệu USD.
(Thương vụ Việt Nam tại Mỹ)
Vậy ứng xử của các nước sau động thái này của Mỹ thế nào? Theo TS. Lê Quốc Phương, có hai đối sách để các nước lựa chọn. Một là trao đổi, đàm phán để Mỹ không tăng hoặc hoãn áp thuế. Có lẽ nhiều nước sẽ chọn cách này.
Hai là những nước có tiềm lực mạnh, như Trung Quốc, EU… sẽ chọn con đường "trả đũa". Họ sẽ đánh thuế với hàng hóa của Mỹ, ví dụ như nông sản, hiện cũng đang xuất khẩu khá nhiều. Điều này sẽ gây ra các cuộc chiến thương mại, làm gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Như thế, toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Nam chịu tác động ra sao?
Trong ngành thép Việt, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, trong vụ việc lần này, Hòa Phát lại ít chịu tác động nhất từ thuế quan của Hoa Kỳ.
Theo phân tích của Trung tâm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thì lý do là sau các cuộc khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước, nhiều doanh nghiệp thép Việt đã có xu hướng nội địa hóa.
Với Hòa Phát, các sản phẩm thép được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, kênh xuất khẩu chiếm 30% tổng sản lượng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này là các quốc gia thuộc ASEAN và châu Á.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nhôm, thép nào cũng như Hòa Phát. Trong ngành vẫn có những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn từ thị trường Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng của lần áp thuế này.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhận định hiện tại Việt Nam chưa chịu nhiều tác động trực tiếp trong vụ việc này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chịu các ảnh hưởng gián tiếp, bởi các cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra gián đoạn sản xuất, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý về tình trạng gian lận xuất xứ. Do đó cần có giải pháp để siết chặt, ngăn chặn tình trạng này.
Ngoài ra, sau những động thái vừa qua, Mỹ có thể sẽ tiếp tục đánh thuế quan vào nhiều nước khác, đặc biệt là những nước có xuất siêu quá lớn sang Mỹ. Việt Nam hiện cũng đang xuất khẩu nhiều sang Mỹ, nên cũng cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho hay từ năm 2018 đến nay, thép Việt xuất khẩu sang Mỹ đã bị áp thuế 25%. Do vậy, chính sách thuế mới lần này của Mỹ về cơ bản vẫn duy trì như vậy. Ngoại trừ một số công ty Việt được miễn trừ áp thuế giai đoạn trước thì lần này cũng bị áp thuế 25%. Còn nhôm thì đang áp thuế 10% sẽ tăng lên 25%.
Hiện Mỹ phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu thép (chiếm 12-15%) và nhôm (chiếm 40-45%). Khi Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, ta vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu. Vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Chỉ có điều, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm xuống.
“Khi các nước cùng bị áp thuế chung thì doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh. Vì hiện sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam được nhà nhập khẩu ưa chuộng vì chất lượng và giá thành sản phẩm. Các công ty Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia như Canada, Mexico, Brazil. Điều này giúp các doanh nghiệp thép, nhôm của Việt Nam giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá và cải thiện lợi nhuận” – ông Hưng nói.
Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đưa lời khuyên, doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Hoa Kỳ các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn thứ ba trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam với thị phần 13%, sau EU (23%) và ASEAN (26%). Các thị trường khác như Ấn Độ chiếm 6%, Đài Loan 4%, Brazil 3%, Thổ Nhĩ Kỳ 3%, Hàn Quốc 2%, Anh 2%.
Với xuất khẩu nhôm, đại diện Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cũng cho biết Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nhôm thuộc top đầu của Việt Nam với thị phần khoảng 60%.
“Nếu Mỹ tuyên bố và áp dụng ngay lập tức mức thuế 25% với nhôm nhập khẩu thì chắc chắc các doanh nghiệp sẽ rất lo lắng. Hiện thị trường Mỹ đang chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu nhôm của Việt Nam” - đại diện VAA cho biết.
AN HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/my-chinh-thuc-ap-thue-25-voi-thep-nhom-nhap-khau-chuyen-gi-se-den-post833752.html