Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga: 'Đèn xanh' nháy chậm?

Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga: 'Đèn xanh' nháy chậm?
5 giờ trướcBài gốc
Tên lửa ATACMS lao ra khỏi bệ phóng. (Ảnh minh họa: Pictorial Press Ltd/Alamy)
Ngày 18/11, hai quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Joe Biden đã “bật đèn xanh” để Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tấn công mục tiêu quân sự trên đất Nga.
Cơ hội đột phá…
ATACMS là tên lửa đạn đạo tầm ngắn do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất với tầm bắn 180-300 km. Thời gian qua, Ukraine đã sử dụng vũ khí trên để tấn công các căn cứ, trận địa phòng không Nga trên bán đảo Crimea cùng vài khu vực khác ở Ukraine. Giờ đây, quân đội nước này có thể dùng ATACMS để đe dọa hơn 200 mục tiêu quân sự quan trọng của Nga ở sát biên giới, trong đó bao gồm sân bay, kho vũ khí chiến lược, trung tâm huấn luyện và đường tiếp tế quan trọng. Khu vực Kursk, nơi Nga bố trí 50.000 quân chính quy cùng đơn vị dự bị, có thể là mục tiêu hàng đầu.
Ngay ngày 19/11, Ukraine đã bắn sáu tên lửa ATCMS vào một số mục tiêu quân sự của Nga, trong đó có kho vũ khí ở thị trấn Karachev, vùng Bryansk. Moscow cho biết hệ thống phòng không nước này đã đánh chặn năm quả và phá hủy một quả.
Động thái này của Mỹ có ba điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, trong bối cảnh xung đột trải qua ngày thứ 1.000, việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của mình để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga cho thấy Tổng thống Joe Biden muốn khẳng định rằng Washington tiếp tục sát cánh với Kiev, ngay cả khi Nhà Trắng sắp đổi chủ vào tháng Một tới.
Thứ hai, động thái của Mỹ được coi là hành động đáp trả sau khi tình báo nước này và Hàn Quốc đưa ra thông tin về sự hiện diện của lượng lớn binh sĩ Triều Tiên, tại các trận địa ở Ukraine. Theo đó, đầu tháng 11, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh có 8.000 binh sĩ của Bình Nhưỡng ở Nga. Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Hàn Quốc Dmytro Ponomarenko cho rằng con số này hiện đã là 15.000 người. Tuy nhiên, cho đến nay, theo Yonhap, Nga và Triều Tiên tiếp tục bác bỏ cáo buộc Bình Nhưỡng đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa binh sĩ đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.
Thứ ba, động thái trên được đưa ra trong bối cảnh bầu cử Mỹ đã khép lại với chiến thắng của ông Donald Trump. Chính trị gia này đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng chấm dứt xung đột tại Ukraine thông qua đàm phán với Nga, thay vì tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev như hiện nay. Vì thế, sau nhiều lần từ chối trước đó, việc ông Biden “bật đèn xanh” cho chính quyền của ông Zelensky sử dụng tên lửa tầm xa này có thể giúp Ukraine đẩy mạnh việc đáp trả Nga, buộc xứ bạch dương giảm thiểu hoạt động quân sự gần khu vực biên giới. Khi đó, Kiev có thể lấy đó làm bàn đạp cho các chiến dịch quân sự tiếp theo hoặc giành lấy vị thế tốt hơn trong trường hợp phải ngồi vào bàn đàm phán với Moscow, một khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) nhận định việc quân đội Ukraine triển khai ATACMS có khả năng buộc Nga phải điều chỉnh chiến thuật phòng thủ và tấn công. Hiện Moscow vẫn đang duy trì một chiến lược triển khai quân và vật tư linh hoạt, với phần lớn thiết bị bố trí cách tiền tuyến chỉ 30-50km. Với sự thay đổi này, Nga có thể lùi các khu vực triển khai lực lượng, tạo cho Ukraine nhiều khoảng trống hơn.
Cục diện có thay đổi?
Phản ứng trước quyết định mới của Tổng thống Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov nhận định việc cung cấp ATACMS cho Ukraine “về cơ bản là một vòng xoáy mới… làm leo thang căng thẳng lên cấp độ mới về chất”. Ngày 19/11, trong động thái đáp trả, Nga đã cập nhật học thuyết hạt nhân, bổ sung điều khoản răn đe hạt nhân ngay cả đối với các cuộc tấn công thông thường.
Ngoài ra, không ít ý kiến đã bày tỏ sự hoài nghi về quyết định của ông Biden. Đầu tiên, họ cho rằng động thái “bật đèn xanh” của Tổng thống Mỹ đến quá muộn màng. Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định trong nhiều tháng nước này nỗ lực vận động, Nga đã giành được lợi thế cần thiết. Tương tự, chuyên gia Matthew Savill của Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng (RUSI) có trụ sở tại London (Anh) đánh giá sự do dự của Mỹ đã tạo lợi thế chiến thuật cho Nga.
Bên cạnh đó, với nguồn cung hạn chế, ATACMS sẽ khó được sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Trước đó, quan chức Mỹ đặt câu hỏi rằng liệu số ATACMS hiện nay có thể tạo nên sự khác biệt, ngay cả khi nó được sử dụng hiệu quả. Bà Jennifer Kavanah, giám đốc bộ phận phân tích quân sự tại Cơ quan ưu tiên quốc phòng (Mỹ) đánh giá: “Để thực sự tác động tới Nga, Ukraine sẽ cần một lượng lớn ATACMS, điều mà nước này không có và sẽ không nhận được bởi nguồn cung hạn chế của Mỹ”.
Đặc biệt, ngay cả khi được tận dụng tối đa, ATACMS không thể thay đổi cục diện xung đột. Chuyên gia Peter Dickinson của Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) đánh giá hiện Nga đã di dời nhiều cơ sở quân sự quan trọng ra khỏi tầm bắn của ATACMS. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Charlie Dietz nhấn mạnh ATACMS không phải câu trả lời cho bài toán bom lượn Nga mà Ukraine đang đối mặt.
Mặc dù vậy, quyết định mới của Washington, phản ứng của Moscow và động thái của Kiev có thể khiến xung đột chuyển sang một giai đoạn mới. Cả Nga và Ukraine sắp bước vào mùa Đông, thời điểm không thuận lợi cho các chiến dịch quân sự quy mô. Đồng thời, khả năng đàm phán nối lại vào mùa Xuân đã dần hiện hữu dưới thời tân Tổng thống Mỹ. Do đó, cả Kiev và Moscow đều cố gắng giành lấy lợi thế lớn nhất có thể trong tháng 11 và đầu tháng 12, với giao tranh giằng co, quyết liệt hơn.
Minh Vương
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/my-cho-phep-ukraine-tan-cong-sau-vao-lanh-tho-nga-den-xanh-nhay-cham-294594.html