Thông điệp của Liên bang Nga khi dùng tên lửa siêu vượt âm mới tấn công Ukraine

Thông điệp của Liên bang Nga khi dùng tên lửa siêu vượt âm mới tấn công Ukraine
10 giờ trướcBài gốc
Ngày 21/11, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trong một thông điệp bằng video, tuyên bố tuyên bố Moskva đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung.
Theo ông Putin, trong cuộc tấn công này, Liên bang Nga đã thử nghiệm thành công một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của mình trong điều kiện chiến đấu và đó là một tên lửa đạn đạo được trang bị thiết bị siêu thanh phi hạt nhân, có tên là “Oreshnik”.
Liên quan tới vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn được hãng tin Reuters phát đi vào sáng 22/11, chuyên gia tên lửa Michael Bohnert, thuộc Tập đoàn RAND cho rằng việc Liên bang Nga sử dụng một tên lửa tầm xa để tấn công một mục tiêu rất gần được Moskva xem như một thông điệp gửi đến phương Tây.
“Lý do chính thức được đưa ra là chính phủ Liên bang Nga không hài lòng với việc các tên lửa hành trình phóng từ trên không do phương Tây cung cấp, cụ thể là Storm Shadows, đã được sử dụng để tấn công lãnh thổ Liên bang Nga”, chuyên gia Bohnert cho biết thêm.
Chuyên gia Bohnert lưu ý rằng Liên bang Nga “đặc biệt nhạy cảm với việc sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ của mình”.
Xem video chuyên gia tên lửa Michael Bohnert, thuộc Tập đoàn RAND nói rằng việc Liên bang Nga sử dụng một tên lửa tầm xa để tấn công một mục tiêu rất gần vừa là một thông điệp chiến thuật, vừa mang tính chiến lược. Nguồn: Reuters
Theo chuyên gia Bohnert, thông qua việc triển khai tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, Moskva đã cho thấy họ có thể triển khai lực lượng một cách an toàn trong lãnh thổ của mình, nơi không bị tấn công. Điều này mang lại cho Nga lợi thế khi có thể hoạt động hiệu quả ở gần Ukraine, trong khi đây lại là một bất lợi lớn đối với Ukraine.
Khía cạnh thứ hai liên quan đến triển vọng đàm phán trong tương lai. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu phương Tây hỗ trợ để có khả năng răn đe chiến lược phi hạt nhân, bao gồm tên lửa tầm xa. Vì vậy, hành động của Nga cũng là một thông điệp rằng phương Tây không nên cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho nhu cầu chiến thuật hiện tại của Ukraine.
Mục đích là nhằm duy trì lợi thế an toàn cho các hoạt động của Liên bang Nga, thông qua loại bỏ các lựa chọn mà phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine.
“Như vậy, đây vừa là một thông điệp chiến thuật, vừa mang tính chiến lược”, chuyên gia Bohnert nhận định.
Về phần mình, cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng vào hôm 21/11, Liên bang Nga đã sử dụng một loại tên lửa loại mới để tấn công Ukraine.
Ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phản ứng cương quyết đối với việc Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới - có tên là Oreshnik, cho rằng sự kiện đó đánh dấu bước leo thang lớn về “quy mô và mức độ tàn bạo” của cuộc chiến hiện nay.
Trên mạng xã hội Telegram, Tổng thống Zelensky viết: “Thế giới phải phản ứng. Hiện giờ chưa có bất cứ phản ứng cương quyết nào từ thế giới… Đây là bước gia tăng rõ ràng và nghiêm trọng về quy mô và mức độ tàn bạo của cuộc chiến này”.
Xem video Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Liên bang Nga sử dụng tên lửa mới, tên lửa đạn đạo liên lục địa tấn công thành phố Dnipro vào sáng 21/11/2024. Nguồn: Reuters
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng hối thúc cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh chóng trước việc Nga sử dụng “loại vũ khí mới”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi bày tỏ: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo, các quốc gia tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc ngay lập tức phản ứng trước việc Nga sử dụng loại vũ khí mới”.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuter/AFP)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thong-diep-cua-lien-bang-nga-khi-dung-ten-lua-sieu-vuot-am-moi-tan-cong-ukraine-20241122085000389.htm