Mỹ là nước chi tiêu lớn nhất thế giới cho phát triển quốc tế mặc dù khoản tiền đó chỉ chiếm chưa đến 1% ngân sách liên bang. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, Mỹ đã chi 68 tỷ USD cho viện trợ quốc tế vào năm 2023. Phần lớn số tiền đó được chi ở châu Á, khu vực cận Sahara của châu Phi và châu Âu, chủ yếu cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine. Tuy vậy, những động thái mới đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đóng cửa cơ quan viện trợ hàng đầu thế giới đang khiến nhiều người quan ngại.
Tỷ phú Elon Musk, người được giao đứng đầu Cơ quan Hiệu suất Chính phủ (DOGE) giúp Tổng thống Trump cắt giảm chi tiêu và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan liên bang, đã có động thái quyết liệt nhằm vào Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hôm 2/2, ông Musk tuyên bố DOGE đang trong quá trình “đóng cửa USAID” và kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump.
USAID dẫn đầu nhiều chương trình viện trợ trên khắp thế giới. Ảnh minh họa Getty Images.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông được giao nhiệm vụ nắm quyền quản lý USAID để tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện nhằm tái cơ cấu tổ chức này. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/2 đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ cơ quan đại diện của USAID ở nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/2 xác nhận kế hoạch đóng cửa USAID đồng thời ký văn bản dừng hợp tác với một số tổ chức trong Liên hợp quốc. Việc đóng cửa USAID diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Trump đang xem xét tái cơ cấu cơ quan này bằng cách sáp nhập vào Bộ Ngoại giao. Theo ông Trump, kế hoạch này phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” nhằm tinh gọn bộ máy và điều chỉnh chi tiêu.
USAID được thành lập vào năm 1961 để quản lý các chương trình viện trợ nhân đạo trên khắp thế giới thay mặt chính phủ Mỹ. Có trụ sở tại hơn 60 quốc gia và hoạt động ở hàng chục quốc gia khác, 2/3 trong số khoảng 10.000 nhân viên của cơ quan này làm việc ở nước ngoài. Phạm vi hoạt động mà USAID đảm nhận rất lớn, từ cung cấp thực phẩm ở những quốc gia đói nghèo đến vận hành hệ thống phát hiện nạn đói theo tiêu chuẩn vàng của thế giới…
Phần lớn ngân sách của USAID được chi cho các chương trình y tế, như cung cấp vaccine bại liệt ở các quốc gia nơi bệnh vẫn còn hiện hữu và giúp ngăn chặn sự lây lan của virus có khả năng gây ra đại dịch. Kể từ khi được thành lập, USAID “đã mang lại thuốc men cứu người, thực phẩm, nước sạch, hỗ trợ cho nông dân, giữ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy hòa bình và nhiều hơn thế nữa trong nhiều thập kỷ, tất cả chỉ với chưa đến 1% ngân sách liên bang. Việc chấm dứt USAID sẽ phá hủy những thành quả khó khăn lắm mới đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo và khủng hoảng nhân đạo, và gây ra tác hại lâu dài, không thể khắc phục được”, Chủ tịch Oxfam America Abby Maxman cho biết trong một tuyên bố.
Nhiều tờ báo của Mỹ đã gọi việc đóng cửa USAID là “một vụ nổ bom nguyên tử” bởi tác động to lớn của nó. USAID hỗ trợ hàng trăm dự án tập trung vào an ninh nguồn nước tại Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ấn Độ và hàng chục quốc gia khác. Ước tính khoảng 4 tỷ người trên toàn cầu không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Nếu không có những chương trình của USAID, “động vật chết, con người chết, người dân phải di dời”, Evan Thomas, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học Colorado ở Boulder cho biết.
Ông làm việc trong một dự án ở Kenya giúp hơn 1 triệu người tiếp cận được nguồn nước sạch thông qua 200 máy bơm nước ngầm sâu được USAID tài trợ một phần. Hiện tại, chương trình không thể trả tiền cho các hợp đồng để giúp bảo trì và sửa chữa máy bơm. Ở những nơi khác tại Kenya, các dự án khác do USAID tài trợ giúp cải thiện việc chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng đang bị gián đoạn.
Tại Sudan, các bếp ăn do Mỹ tài trợ đã phải đóng cửa, theo Jeremy Konyndyk, chủ tịch của Refugees International và là cựu quan chức của USAID. Hệ thống giám sát nạn đói toàn cầu của Mỹ, FEWSNET, hoạt động trên toàn thế giới, cũng đã bị đóng cửa trong bối cảnh chính quyền Trump đóng băng viện trợ. Theo giám đốc điều hành Hội đồng các cơ quan tình nguyện quốc tế, Jamie Munn, “USAID là nền tảng của các sáng kiến cứu sinh tại các khu vực bị nạn đói như Ethiopia, Somalia và Sudan, nhưng việc đóng băng nguồn tài trợ khiến hàng triệu người không được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, nước sạch và nơi trú ẩn”.
Ngoài ra, USAID dẫn đầu một chương trình kiểm soát và xóa sổ bệnh sốt rét tại 24 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Mali, nơi sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Cơ quan viện trợ này tài trợ và cung cấp thuốc chống sốt rét, bộ dụng cụ xét nghiệm và màn chống muỗi đã qua xử lý bằng thuốc, giúp cứu sống mạng người và giảm số lượng muỗi. Sốt rét vẫn giết chết khoảng 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi. Nhưng tại các quốc gia nơi “Sáng kiến sốt rét” do USAID điều hành hoạt động, tỷ lệ tử vong đã giảm một nửa kể từ khi Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động sáng kiến này vào năm 2006.
Có thể thấy, việc đóng cửa USAID có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường đối với các chương trình viện trợ toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Đáng quan ngại hơn, Tổng thống Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan của Liên hợp quốc với chức năng hàng đầu về nghiên cứu và đưa ra các cảnh báo y tế.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng ký văn bản chấm dứt sự tham gia của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và tiếp tục đình chỉ tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine.
Duy Tiến