RT đưa tin, trong tuyên bố ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã có hành động toàn diện để thực hiện cam kết của G7 nhằm cắt giảm doanh thu từ ngành năng lượng của Nga.
Trong đó, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai nhà sản xuất dầu khí của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như hàng chục công ty con. Gazprom Neft là công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, tập trung vào phát triển các mỏ dầu khí cũng như khai thác dầu khí. Surgutneftegaz, một tập đoàn năng lượng lớn khác, được thành lập vào năm 1993. Năm 2023, tập đoàn này được xếp hạng ở vị trí 21 trong tổng số 100 công ty có thu nhập ròng lớn nhất tại Nga.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, tổng cộng các công ty này sản xuất ra hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, tạo ra doanh thu ước tính 23 tỷ USD mỗi năm.
Nhà máy lọc dầu Moscow thuộc nhà sản xuất dầu khí Gazprom Neft ở ngoại ô phía đông nam Moscow, Nga, tháng 4/2022. Ảnh: AFP
Lệnh trừng phạt mới nhất cũng nhắm vào 183 tàu chở dầu, với nhiều tàu trong số đó được Mỹ cho là thuộc “hạm đội ngầm” của các nhà doanh nghiệp có trụ sở tại Nga. Hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu, công ty bảo hiểm có trụ sở tại Nga và các quan chức cấp cao của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đã hủy bỏ một điều khoản miễn trừ trừng phạt các ngân hàng Nga làm trung gian thanh toán năng lượng. Các biện pháp này cho phép kéo dài thời gian tạm dừng cho đến ngày 12/3 để các thực thể bị xử phạt hoàn tất các giao dịch năng lượng.
Cùng ngày, chính quyền Anh cũng phối hợp với Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz.
Theo Reuters, các lệnh trừng phạt mới nhất được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong 10 ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhằm nỗ lực tạo đòn bẩy cho Ukraine trong cuộc đàm phán tiềm năng với Nga trong tương lai.
Ông Daleep Singh, Cố vấn kinh tế và an ninh quốc gia hàng đầu của Nhà Trắng, cho biết đây là “những lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với ngành năng lượng của Nga”.
Trong một bài đăng trên X, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các lệnh trừng phạt sẽ “giáng đòn đáng kể” đối với Nga, khiến nước này “ngày càng có ít doanh thu hơn từ dầu mỏ”, từ đó “hòa bình sẽ sớm được khôi phục”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cùng ngày tuyên bố rằng di sản duy nhất của Tổng thống Joe Biden sẽ là “mớ hỗn độn” mà ông để lại; đồng thời cho rằng điều này “làm mọi thứ trở nên tồi tệ”.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt đối với Nga trong nhiều đợt kể từ năm 2014, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Số lượng các lệnh trừng phạt tăng đột biến sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Đầu tháng 12/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng chiến dịch trừng phạt của phương Tây là vô ích và vô nghĩa, vì Moscow đã thành công trong việc chống chọi với áp lực và “không có nỗ lực nào từ bên ngoài nhằm cản trở chúng tôi mang lại kết quả”.
Ngay cả khi áp đặt các lệnh trừng phạt, nhiều nước phương Tây vẫn tiếp tục mua khí đốt tự nhiên từ. Theo báo cáo của Bloomberg được công bố đầu tuần này, các nước EU đã mua một lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục của Nga vào năm 2024.
Đỗ Thảo