Thông báo được đưa ra trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Đông, trong bối cảnh Mỹ đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn về công nghệ không chiến từ Trung Quốc và Nga, cũng như đối mặt với những tranh cãi về ngân sách quốc phòng.
Máy bay chiến đấu F-22 Raptor trong màn trình diễn bay tại Royal International Air Tattoo ở Fairford, Anh, ngày 8/7/2016. (Nguồn: Reuters)
F-55: Máy bay hai động cơ mới thay thế F-35?
Theo mô tả của ông Trump, F-55 sẽ là loại máy bay chiến đấu hai động cơ, được kỳ vọng là bản "nâng cấp vượt trội" so với F-35 Lightning II – dòng tiêm kích một động cơ hiện đang là xương sống của không quân Mỹ và các đồng minh.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ sản xuất F-55. Nếu đạt được mức giá hợp lý, đây sẽ là phiên bản hai động cơ với khả năng vượt trội so với F-35".
Tiêm kích F-55 có thể theo đuổi một hướng phát triển hoàn toàn mới, tương đồng với chương trình F/A-XX của Hải quân Mỹ, vốn đang tìm kiếm một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu để thay thế F/A-18E/F Super Hornet vào thập niên 2030.
Hai động cơ sẽ mang lại lợi thế rõ rệt về độ tin cậy và khả năng sống sót trong môi trường chiến đấu khắc nghiệt, đặc biệt ở Thái Bình Dương, nơi sự cố động cơ có thể đe dọa đến toàn bộ nhiệm vụ.
Tuy chưa có thông số kỹ thuật chính thức nào, nhưng việc so sánh F-55 với F-35 và gợi ý khả năng tích hợp công nghệ thế hệ mới, khiến giới quan sát suy đoán rằng mẫu máy bay này có thể kết hợp các yếu tố từ chương trình NGAD (Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo), sáng kiến phát triển một hệ sinh thái bao gồm máy bay có người lái, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống chiến đấu liên kết mạng.
F-22 Super: Hồi sinh 'chim săn mồi'
Cùng với F-55, ông Trump công bố dự án F-22 Super, một phiên bản nâng cấp sâu rộng của F-22 Raptor, loại tiêm kích tàng hình thế hệ năm được Mỹ đưa vào biên chế từ năm 2005. Dù F-22 vẫn được xem là tiêm kích không đối không hàng đầu nhờ khả năng cơ động cao, tàng hình và tốc độ siêu hành trình, số lượng sản xuất chỉ giới hạn ở 187 chiếc đã làm dấy lên nhu cầu hiện đại hóa.
Lockheed Martin đã đề xuất nâng cấp với các công nghệ mới như cảm biến hồng ngoại TacIRST, radar AN/APG-77[V]1, khả năng tương thích với tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW và tích hợp điều khiển các máy bay không người lái CCA – những công nghệ vốn phát triển từ chương trình NGAD. Những thay đổi này sẽ giúp F-22 Super tiếp tục duy trì ưu thế trước các đối thủ như J-20 của Trung Quốc hay Su-57 của Nga.
Thông báo về F-55 và F-22 Super được đưa ra ngay sau khi Qatar cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào việc nâng cấp căn cứ không quân Al Udeid, cùng 42 tỷ USD cho các hợp đồng quốc phòng, bao gồm cả UAV vũ trang tầm xa.
Từ khi được thành lập năm 1996, Al Udeid đóng vai trò chiến lược trong các chiến dịch tại Iraq, Afghanistan và chống khủng bố. Năm 2019, tiêm kích F-22 từng được triển khai tại đây để ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran.
Cạnh tranh toàn cầu thúc đẩy phát triển
F-55 được công bố giữa lúc cuộc chạy đua phát triển tiêm kích thế hệ sáu diễn ra gay gắt. Trung Quốc đã đưa vào biên chế tiêm kích tàng hình J-20 từ năm 2017, đồng thời phát triển mẫu J-36 thế hệ tiếp theo với mục tiêu tích hợp UAV và hoạt động tầm xa ở Thái Bình Dương. Nga sở hữu Su-57 với cảm biến hiện đại và tên lửa siêu thanh, dù khả năng tàng hình vẫn còn hạn chế.
Tại châu Âu, hai chương trình GCAP (Anh – Nhật – Italia) và FCAS (Pháp – Đức – Tây Ban Nha) cũng đang hướng đến việc đưa tiêm kích thế hệ sáu vào hoạt động trong thập niên 2030, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, cảm biến tiên tiến và vũ khí năng lượng định hướng.
Trong bối cảnh đó, các chương trình như F-55 được xem là cần thiết để Mỹ duy trì ưu thế trên không. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính khả thi, đặc biệt khi chưa có chi tiết cụ thể nào về F-55 được công bố và chương trình NGAD cùng F/A-XX hiện đang bị trì hoãn do giới hạn ngân sách.
Boeing, F-47 và áp lực ngân sách
Ngoài F-55 và F-22 Super, ông Trump còn đề cập đến một nền tảng mới mang tên F-47, được giao cho Boeing phát triển. Dù vậy, thông tin về dự án này hiện vẫn rất ít và có thể liên quan đến NGAD hoặc một dự án riêng biệt.
Boeing gần đây đã thắng nhiều hợp đồng, trong đó có đơn hàng 160 máy bay thương mại từ Qatar, củng cố vai trò của hãng trong các dự án quốc phòng sắp tới. Việc cùng lúc theo đuổi F-55, F-22 Super và F-47 làm dấy lên lo ngại về chi phí, khi một chiếc tiêm kích NGAD có thể tiêu tốn trên 300 triệu USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đề xuất hoãn chương trình F/A-XX 3 năm, phản ánh sự căng thẳng trong ưu tiên giữa Lầu Năm Góc, Quốc hội và Nhà Trắng. Trong bối cảnh này, các thỏa thuận quốc phòng với Qatar, đối tác chiến lược của Mỹ và là trung gian trong nhiều đàm phán khu vực, có thể giúp giảm tải chi phí cho các chương trình mới.
Xuân Minh