Tổng thống Donald Trump vừa thông báo hoãn thuế 90 ngày đối với các quốc gia quyết định không trả đũa theo bất kỳ cách nào, và áp thuế 125% đối với Trung Quốc.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VCBS cho rằng Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc dài hạn. Chính phủ ưu tiên giải pháp thương lượng thay vì đối đầu trực tiếp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương và nền kinh tế trong nước.
“Việt Nam sẽ có thêm thời gian để thương lượng, và với thế mạnh ngoại giao linh hoạt đã được chứng minh qua thời gian, diễn biến đàm phán xa hơn có thể chuyển biến tích cực hơn nữa”, VCBS nêu.
VCBS cũng lưu ý rằng mặc dù hoãn thuế, nhưng vẫn sẽ áp dụng mức 10%, nên nhóm xuất khẩu ít nhiều vẫn bị tác động xấu so với trước kia. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ vẫn đang được quan sát. Do đó, xu hướng chuyển dịch chuyển cung ứng sang các quốc gia ổn định về chính trị vẫn là xu hướng chính.
Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn với chính sách thuế của Tổng thống Mỹ
Trong 90 ngày tới, VCBS cho rằng Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt từ quốc gia chịu mức áp thuế cao hơn so với Việt Nam. Thậm chí, xa hơn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được nâng lên cùng các động thái liên tục trả đũa, và Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất-kinh doanh. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Theo đó, VCBS kỳ vọng thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây.
VCBS duy trì quan điểm chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong khi đó, bên cạnh các động thái đàm phán đã và đang được thương thảo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung và củng cố nội lực tăng trưởng trong nước, như: đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ.
Trao đổi tại hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025” sáng 10.4, GS-TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày là khoảng thời gian để cho Việt Nam tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, làm rõ những vấn đề mà cố vấn thương mại Mỹ đã đề cập. Ngoài ra, Việt Nam có thời gian để chuẩn bị những giải pháp để ứng phó với những thay đổi trong thời gian tới.
Ông Chương nhấn mạnh một trong những nguyên tắc, giải pháp cần tuân thủ trong quan hệ thương mại với Mỹ là minh bạch xuất xứ. Về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo.
GS-TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng trong giai đoạn chờ đợi kết quả đàm phán mới, nền kinh tế Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi chiến lược về cấu trúc nền kinh tế, cần dựa vào nguồn lực trong nước là kinh tế tư nhân, cũng như phải có các giải pháp để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần định vị, thay đổi cấu trúc sản xuất của nền kinh tế, đảm bảo có giá trị gia tăng tốt hơn, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Ông Thành cho rằng thể chế về kinh tế tư nhân cần thay đổi để giải quyết những tồn tại về phát triển kinh tế tư nhân, như cần thay đổi tư duy về xây dựng pháp luật, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo của khu vực này. Mặt khác phải giảm thiểu can thiệp hành chính, thay bằng tư duy hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, nên cần môi trường đầu tư - kinh doanh thực sự minh bạch và bình đẳng.
Lam Thanh