Mỹ 'lúng túng' với S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Mỹ 'lúng túng' với S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
18 giờ trướcBài gốc
Theo nguồn tin từ Middle East Eye, Ankara có kế hoạch triển khai hệ thống phòng không tiên tiến, trong đó bao gồm cả hệ thống nội địa Hisar và có thể cả S-400 của Nga, tùy thuộc vào sự cho phép của Moscow.
Hệ thống phòng không S-400.
Sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad vào cuối năm 2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để giành ảnh hưởng tại Syria. Căn cứ T-4 nằm ở vị trí chiến lược, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 225 km, nên việc kiểm soát nơi này giúp Ankara chiếm lợi thế lớn về không phận miền Trung Syria.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch phục hồi và mở rộng căn cứ vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc giao tranh trong suốt nhiều năm. Họ muốn triển khai hệ thống phòng không Hisar do trong nước sản xuất, đồng thời tính đến khả năng đưa hệ thống S-400 tới đây, nếu được Nga đồng ý.
Hisar và S-400: Thế trận phòng không kép
Hệ thống Hisar bao gồm biến thể tầm ngắn (Hisar-A) và tầm trung (Hisar-O), là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Hisar-O có tầm bắn 40 km, có thể đánh chặn nhiều loại mục tiêu từ máy bay, trực thăng đến tên lửa hành trình. Ưu điểm lớn của Hisar là chi phí thấp và khả năng cơ động cao, phù hợp với môi trường xung đột phức tạp như Syria.
Tuy nhiên, nếu S-400 được triển khai tại T-4, đó sẽ là một "quân bài chiến lược" thực sự. Với tầm bắn lên đến 400 km và khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km, hệ thống này có thể kiểm soát phần lớn không phận Syria, vươn tới Israel, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Địa Trung Hải. Dù hiệu quả của S-400 từng bị nghi ngờ sau các sự cố ở Ukraine, nhưng đây vẫn là vũ khí khiến cả Mỹ và Israel phải "dè chừng".
Mỹ và Israel phản ứng gay gắt
Việc Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc triển khai S-400 tại Syria đã khơi dậy làn sóng lo ngại ở Washington. Mỹ từng loại Ankara khỏi chương trình F-35 vào năm 2019, vì lo ngại radar của S-400 có thể thu thập thông tin về loại máy bay tàng hình tối tân này. Mỹ cũng lo rằng các kỹ thuật viên Nga có thể dùng S-400 để thu thập dữ liệu quân sự NATO.
Trong khi đó, Israel đã có phản ứng quân sự ngay lập tức. Cuối tháng 3, Không quân Israel đã oanh kích T-4, phá hủy đường băng và các cơ sở trọng yếu nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập căn cứ tại đây. IDF tuyên bố họ sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào cản trở khả năng tác chiến trên không của Israel tại Syria.
Việc kiểm soát T-4 không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường phòng thủ mà còn mở rộng chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ankara có kế hoạch triển khai các máy bay không người lái hiện đại như Bayraktar Akinci và Aksungur để giám sát và tấn công trên diện rộng ở miền đông Syria, nơi vẫn còn nhiều khoảng trống quyền lực sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.
Nga hiện chưa xác nhận có cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 tại Syria hay không. Trong khi đó, chính phủ Syria mới, do Hayat Tahrir al-Sham lãnh đạo, có thể ủng hộ bước đầu nhưng khó chấp nhận sự hiện diện quân sự lâu dài của Ankara.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/my-lung-tung-voi-s-400-cua-tho-nhi-ky-o-syria-169250404094206677.htm