Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellog. (Ảnh: Reuters)
Nếu được thực hiện, kế hoạch này sẽ khiến các lãnh đạo Ukraine yên tâm hơn, trong bối cảnh Kiev lo lắng Tổng thống Trump có thể chặn nguồn viện trợ cho nước này, khi tình hình chiến trường đang diễn biến có lợi cho Nga.
Các nước phương Tây trước đây cũng đã mua vũ khí Mỹ để cung cấp cho Ukraine, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
Nhiều quan chức Mỹ, trong đó có Đặc phái viên của tổng thống Keith Kellog, sẽ thảo luận với các đồng minh phương Tây tại hội nghị an ninh Munich vào cuối tuần này về việc châu Âu mua vũ khí để cung cấp cho Ukraine.
Đây là một trong nhiều ý tưởng mà chính quyền Tổng thống Trump đang bàn bạc để có thể tiếp tục chuyển vũ khí cho Kiev mà không ảnh hưởng đến ngân sách của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 10/2, ông Kellog từ chối xác nhận thông tin, nhưng cho biết: “Mỹ sẽ luôn muốn bán vũ khí sản xuất tại Mỹ vì điều này giúp nền kinh tế mạnh lên. Có rất nhiều lựa chọn. Mọi thứ đều đang được thảo luận”.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump muốn bù đắp hàng tỷ đô la mà Washington đã chi cho cuộc xung đột Ukraine và châu Âu cần làm nhiều hơn để hỗ trợ.
“Tôi nghĩ nguyên tắc ở đây là người châu Âu phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột này”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NBC News ngày 9/2.
Đại sứ quán Ukraine ở Washington chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này.
Chưa rõ kế hoạch của Mỹ là đề nghị các nước châu Âu mua vũ khí qua các hợp đồng thương mại hay mua thẳng từ kho dự trữ của Mỹ. Một số hợp đồng thương mại cần nhiều năm để triển khai.
Trong mấy tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump tranh luận việc có nên và bằng cách nào để tiếp tục vũ trang cho Ukraine.
Trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ chặn tất cả viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, ở sau hậu trường, một số cố vấn của ông cho rằng Washington nên tiếp tục hỗ trợ Kiev về quân sự, nhất là nếu đàm phán hòa bình bị trì hoãn đến cuối năm nay.
Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt hơn 65 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine trong những năm tại nhiệm. Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nói rằng nước này cần bảo đảm an ninh nhiều hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Nhà Trắng thời Tổng thống Trump có thể vấp phải phản ứng từ một số thành viên đảng Cộng hòa nếu đề nghị Quốc hội phê duyệt thêm ngân sách. Vì thế, các quan chức chính quyền coi việc bán vũ khí cho châu Âu là cách mà họ có thể thực hiện, để Washington tiếp tục hỗ trợ Kiev mà không dùng đến tiền thuế của người Mỹ. Tháng trước, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte nói rằng châu Âu nên trả tiền mua vũ khí Mỹ cho Ukraine.
Washington và Mátxcơva đưa ra những phát biểu khác nhau về triển vọng đàm phán hòa bình, dẫn đến nhiều hoài nghi về mức độ mà chính quyền Tổng thống Trump có thể thuyết phục cả Ukraine và Nga ngồi vào bàn thương lượng trong thời gian tới.
Ngày 9/2, ông Trump nói rằng đã liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và ông tin Mỹ đang đạt được tiến triển nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Sau phát biểu này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với báo chí rằng quan hệ với Washington đang “bấp bênh bên bờ vực”. Ông cũng nhắc lại yêu cầu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và rút quân khỏi các khu vực mà lực lượng Nga đang kiểm soát.
Các nguồn tin cho biết, Nhà Trắng có thể sẽ mất vài tháng nữa mới có thể đưa ra kế hoạch hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột, và họ cần giải quyết nhiều vấn đề khác trước khi có thể đứng ra làm trung gian.
Tú Linh
Theo Reuters