Vòng thương lượng hạt nhân thứ 3 giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại Oman - nước trung gian của tiến trình đàm phán và là nơi vòng thương thảo Mỹ-Iran đầu tiên được tiến hành hôm 12/4 vừa qua.
Trong cuộc thảo luận hôm nay (26/4), dẫn đầu phái đoàn Iran vẫn là Ngoại trưởng Abbas Araghchi, trong khi trưởng đoàn phía Mỹ tiếp tục là Đặc phái viên Steve Witkoff. Một ngày trước khi đàm phán diễn ra, Ngoại trưởng Iran đã tới Muscat để gặp gỡ các quan chức nước chủ nhà Oman, trong khi Đặc phái viên Mỹ có chuyến công du đến thủ đô nước Nga.
Biểu tượng IAEA và quốc kỳ Iran. Ảnh: IAEA.
Đáng chú ý, bên cạnh cuộc đối thoại cấp cao hôm nay, phái đoàn chuyên viên Mỹ và Iran cũng tiến hành các cuộc trao đổi kỹ thuật xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Cuộc trao đổi kỹ thuật này ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 22/4, nhưng đã bị hoãn lại mà không rõ lý do.
Trước cuộc đàm phán thứ 3 tại Oman, phái đoàn cấp cao hai nước đã tiến hành 2 vòng thảo luận vào ngày 12/4 tại Oman và ngày 19/4 tại Rome, Italy. Kết thúc các cuộc trao đổi, hai bên đều đưa ra đánh giá tích cực về kết quả thương lượng.
Tuy nhiên, ngày 22/4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ công bố áp đặt thêm lệnh trừng phạt bổ sung đối với ngành dầu mỏ của Iran. Động thái của Washington đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Tehran. Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích Chính quyền Mỹ không nghiêm túc và thiếu thiện chí đàm phán, làm dấy lên lo ngại các cuộc đối thoại ở Oman hôm nay có thể bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Iran đã cùng họp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại IAEA Lý Tùng đã tham gia cuộc họp chung với Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi, người đồng cấp Nga Mikhail Ulyanov và người đồng cấp Iran Reza Najafi.
Cuộc họp chung diễn ra hôm 24/4 sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi đến thăm Bắc Kinh vào tuần này.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, tại cuộc gặp, đại diện các bên đã trao đổi sâu rộng về vai trò của IAEA trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua chính trị và ngoại giao.
Trung Quốc, Nga và Iran nhấn mạnh, tiếp xúc và đối thoại chính trị, ngoại giao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là lựa chọn hiệu quả và khả thi duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Ba nước ủng hộ IAEA phát huy tính chuyên nghiệp và vai trò độc đáo của mình, thúc đẩy các nỗ lực chính trị và ngoại giao xoay quanh vấn đề hạt nhân Iran với thái độ tích cực và xây dựng. Trung Quốc và Nga ủng hộ Iran và IAEA tăng cường đối thoại và hợp tác.
Ông Lý Tùng cho biết, nước này đánh giá cao cam kết của Iran trong việc không phát triển vũ khí hạt nhân, tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và ủng hộ Iran tiến hành đối thoại với các bên, bao gồm cả Mỹ, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ông cũng cho biết, trong tình hình mới, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hơn nữa trao đổi và hợp tác với Nga, Iran và IAEA, nhằm đem lại năng lượng tích cực cho tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua chính trị và ngoại giao.
Bá Thi, Bích Thuận/VOV