Hệ thống phòng không đổi lấy máy bay chiến đấu
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thể hiện rõ quan điểm là máy bay chiến đấu đổi lấy hệ thống tên lửa. Chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan từ ngày 25-26/3 vừa qua là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Các bên đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán kỹ thuật để dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc phòng đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Donald Trump đã áp đặt cách đây 5 năm trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên để trả đũa việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Moscow.
Các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ được áp dụng theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA). Tuy nhiên, nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Ankara có thể quay lại chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ và gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của Mỹ.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã trả cho Mỹ 1,4 tỷ USD, nhưng việc chuyển giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm chưa được thực hiện. Như Washington đã giải thích vào thời điểm đó, “F-35 không thể tồn tại với nền tảng thu thập thông tin tình báo của Nga”.
Có 3 lý do có thể giải thích cho những thay đổi trong cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Donald Trump và nỗ lực thúc đẩy quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tiên, chủ trương thực dụng tiếp tục giải thích cho những điều chỉnh chiến lược của Mỹ. Việc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Mỹ có được một khoản ngân sách lớn, vừa giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách hiện nay, vừa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Điều này đặc biệt cấp thiết khi các chuyên gia nhận định chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể làm gia tăng tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong thời gian tới.
Thứ hai, việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với Nga và hệ thống phòng không S-400 hiện diện trong biên chế vũ khí, thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là điều mà Mỹ không hề mong muốn. Mặc dù đang nối lại các cơ chế đàm phán với Nga nhằm cải thiện quan hệ song phương và tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine, song về cơ bản cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn là sự thỏa hiệp với các điều kiện có lợi cho nước Mỹ. Washington không muốn Moscow có trong tay nhiều “con bài” có thể mặc cả lợi ích. Ở góc độ rộng hơn, sự hiện diện S-400 trong biên chế kho vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm xáo trộn, thậm chí là suy yếu mức độ tích hợp vũ khí của NATO nói chung.
Thứ ba, ở góc độ chiến lược, Mỹ và NATO vẫn rất cần hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đồng minh. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn khiến NATO “đau đầu”, song không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Ankara đối với các nước phương Tây. Với sức mạnh quân sự lớn thứ hai NATO và vị trí chiến lược kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một trụ cột không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ châu Âu. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ lại có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Đông và khu vực Caucasus mà không một đồng minh nào khác của NATO có thể thay thế.
Còn nhiều rào cản
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ đã có những kết nối tích cực. Ngay trước thềm chuyến thăm Washington của Ngoại trưởng Hakan Fidan, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phát biểu rằng, “quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được động lực mới trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump”. Theo ông Erdogan, Ankara và Washington “sẽ có thể đạt tới một cấp độ hợp tác mới bất chấp những khó khăn trong khu vực” và bất chấp “những người vận động hành lang đang cố gắng phá hoại sự hợp tác giữa hai đồng minh”.
Tuy nhiên, với khả năng giao máy bay chiến đấu F-35, mọi việc có vẻ phức tạp hơn. Với các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, Washington duy trì ưu thế quân sự về chất lượng của Israel trong khu vực. Nên không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ phải đối bất kỳ ai ngoài Tel Aviv ở Trung Đông được tiếp cận máy bay chiến đấu F-35. Israel có lẽ chỉ sẵn sàng đưa ra ngoại lệ đối với UAE, quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 trong khuôn khổ Hiệp định Abraham.
Mối quan hệ giữa Tel Aviv và Ankara ngày càng trở nên căng thẳng hơn sau khi chế độ ở Damascus thay đổi, dẫn đến việc củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Trong một báo cáo vào tháng 1 của Ủy ban Nagel - được Chính phủ Israel thành lập vào tháng 8/2024 để tư vấn về các vấn đề an ninh, cho biết nhà nước Do Thái “có thể phải đối mặt với mối đe dọa mới nổi lên ở Syria”, thậm chí còn nguy hiểm hơn hoạt động của lực lượng dân quân thân Iran. Các chuyên gia chính phủ cho biết mối đe dọa chính là khả năng Syria biến thành thành trì của những người Sunni cực đoan, những người sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ và không chấp nhận “sự tồn tại của Israel”. Điều này có nghĩa là, trong thương vụ F-35 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phải thuyết phục sự chấp thuận của Israel, nếu không họ sẽ buộc phải lựa chọn giữa 2 đồng minh.
Việc cải thiện quan hệ hợp tác đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là điều mà Tổng thống Donald Trump mong muốn, mà ngay chính quyền Ankara cũng đang rất trông đợi. Thời gian gần đây, làn sóng biểu tình lớn nhất trong vòng một thập niên qua đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm phản đối việc chính quyền bắt Thị trưởng Istanbul - ông Ekrem Imamoglu, thành viên của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ do tình hình chính trị trong nước khó khăn và có lẽ ông hiểu rằng các cuộc biểu tình cũng được hỗ trợ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ có dễ dàng từ bỏ S-400 để đổi lấy F-35 sẽ là câu hỏi khó trả lời. S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, có khả năng đánh chặn máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách lên tới 400km. Việc sở hữu S-400 giúp Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa từ trên không, đặc biệt là từ các đối thủ tiềm tàng trong khu vực. Hơn nữa, duy trì hợp tác với Nga còn là “con bài” giúp Thổ Nhĩ Kỳ có thể mặc cả với các đồng minh phương Tây.
Hùng Anh (CTV)