Mỹ quyết tâm tinh gọn bộ máy hành chính: đột phá và thách thức

Mỹ quyết tâm tinh gọn bộ máy hành chính: đột phá và thách thức
6 giờ trướcBài gốc
Chương trình nghỉ việc tự nguyện
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gửi email đến tất cả nhân viên liên bang, đề nghị họ từ chức trước ngày 6.2 để nhận được toàn bộ lương và phúc lợi đến hết ngày 30.9. Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực giảm quy mô bộ máy hành chính. Nhà Trắng mong muốn, khoảng 5 - 10% trong tổng số hơn 2 triệu nhân viên liên bang sẽ chấp nhận đề nghị, tương đương 100.000 - 200.000 người. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cắt giảm quy mô Chính phủ Mỹ, tiết kiệm ngân sách nhà nước, dự kiến lên tới 100 tỷ USD.
Điện Capitol, Washington
Bên cạnh đó, chính quyền còn triển khai chương trình nghỉ hưu sớm (VERA), dành cho nhân viên từ 50 tuổi có ít nhất 20 năm công tác hoặc bất kỳ độ tuổi nào với tối thiểu 25 năm làm việc.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhân viên Chính phủ đều đủ điều kiện tham gia chương trình nghỉ việc này. Theo danh sách do Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) Nhà Trắng công bố, những người làm việc trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc gia (CIA, NSA, Bộ Quốc phòng), kiểm soát không lưu, y tế và an toàn công cộng, thực thi pháp luật (FBI, Cục Điều tra an ninh nội địa), quân đội và Bộ Cựu chiến binh đều không thể nộp đơn. Trong khi đó, phần lớn các nhân viên khác, đặc biệt là những người thuộc các cơ quan dân sự như Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục hay Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), vẫn có thể tham gia nếu muốn tận dụng cơ hội này.
"Một đợt cắt giảm quy mô lớn đang được thực hiện theo các chỉ thị của Tổng thống. Chính phủ đang tiến hành tái cơ cấu, và nhiều nhân viên có thể sẽ nhận ra rằng đây là cơ hội hiếm hoi để rời đi một cách chủ động", một cán bộ Chính phủ cho biết.
Thực tế, mặc dù ban đầu chỉ một số ít nhân viên hưởng ứng, nhưng số người đăng ký đã tăng nhanh khi thời hạn chót đến gần. Một số cơ quan Chính phủ báo cáo, hàng trăm nhân viên trong các bộ phận quan trọng đã nộp đơn xin nghỉ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra lo ngại về tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, ảnh hưởng đến các dịch vụ công quan trọng như kiểm soát không lưu, an sinh xã hội và xử lý thuế.
Chiến lược tinh gọn toàn diện
Nhiều chuyên gia nhận định đây có thể là một bước trong chiến lược lớn hơn nhằm cắt giảm bộ máy mà Tổng thống Trump cho là “quá cồng kềnh và cản trở” chương trình nghị sự của ông.
Nguồn: Newsweek
Khi Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng vào đầu năm nay, chính quyền Mỹ đã đề ra một chiến lược toàn diện nhằm tinh gọn bộ máy hành pháp. Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược này là cắt giảm ngân sách và giảm số lượng nhân viên chính phủ, đặc biệt là ở những cơ quan không có tính chiến lược hoặc thiếu hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), do tỷ phú công nghệ Elon Musk đứng đầu. Ông Musk đã công khai tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương 1/3 ngân sách liên bang.
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn đã giới thiệu nhóm dự luật DOGE, với mục tiêu cắt giảm chi tiêu của các cơ quan liên bang và tinh giản bộ máy lao động. Nhóm dự luật cũng đề xuất yêu cầu công chức trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng, thay vì làm việc từ xa, đồng thời di dời một số cơ quan hành chính ra khỏi thủ đô. Đặc biệt, dự thảo Luật Về hiệu suất và trách nhiệm của công chức liên bang còn đề xuất cơ chế trả lương mới, dựa trên hiệu suất làm việc, nhằm khuyến khích nâng cao chất lượng công việc của đội ngũ công chức.
Thêm vào đó, chính quyền của Tổng thống Trump cũng triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu các quy định hành chính, Mục tiêu là giảm bớt sự phức tạp trong việc tuân thủ quy định và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, chính quyền còn thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình hành chính truyền thống sang mô hình quản lý hiện đại hơn, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình và tiết kiệm chi phí, từ đó cải thiện hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính…
Còn nhiều băn khoăn của người lao động
Các công đoàn và nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã lên tiếng cảnh báo nhân viên không nên chấp nhận gói nghỉ việc. Họ cho rằng, Tổng thống Donald Trump không có thẩm quyền đưa ra chương trình nghỉ việc hàng loạt như trên, cũng như không thể bảo đảm rằng nhân viên sẽ nhận được đầy đủ quyền lợi như cam kết.
Trong khi đó, các công đoàn đại diện cho nhân viên liên bang đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn chương trình trên. Ngày 4.2, Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ (AFGE) cùng hai công đoàn khác đã đệ đơn lên tòa án liên bang, yêu cầu tạm dừng thời hạn chót của chương trình, cho rằng đề nghị nghỉ việc tự nguyện là chưa thực sự đúng với luật liên bang, cũng như khó bảo đảm được nguồn tài chính để thực hiện. AFGE chỉ ra, chính quyền hiện chỉ có ngân sách hoạt động đến giữa tháng 3. Nếu Quốc hội không thông qua dự luật chi tiêu mới, những người đã chấp nhận nghỉ việc có thể không nhận được khoản thanh toán như cam kết.
Theo các công đoàn, chính quyền chưa đánh giá đầy đủ hậu quả của việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn, vốn có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành của Chính phủ. Họ đánh giá, thông tin từ OPM về quyền lợi của nhân viên sau khi nghỉ việc vẫn còn mơ hồ và chưa rõ ràng. Không chỉ các công đoàn, nhiều nhân viên Chính phủ cũng hoang mang với đề nghị này. Một số người tỏ ra băn khoăn, nếu nghỉ việc, họ có thể không nhận được các khoản tiền đã hứa. Một nhân viên giấu tên chia sẻ: "Tôi không chắc họ có trả lương đủ cho tôi đến tháng 9 hay không. Đây có thể chỉ là cách để giảm bớt nhân sự mà không phải chi trả bồi thường". Một số khác lại nhận định, chính quyền chỉ đơn giản muốn giảm quy mô Chính phủ để thay thế họ bằng các nhân sự trung thành với Tổng thống.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục bảo vệ tính hợp pháp của chương trình. OPM khẳng định, chương trình đã được xem xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý và hoàn toàn tự nguyện. Một quan chức Mỹ cho biết, đây là nỗ lực nhằm hỗ trợ tài chính cho nhân viên trong bối cảnh các cơ quan liên bang đang thu hẹp quy mô nhân sự.
Chính quyền cũng đang tích cực quảng bá lợi ích của chương trình. Trên trang hỏi đáp FAQ của mình, OPM khuyến khích nhân viên tìm kiếm việc làm trong khu vực tư nhân hoặc sử dụng 8 tháng lương để "đi du lịch đến điểm đến mơ ước". Tuy nhiên, điều này khiến giới công chức không mấy hài lòng vì cho rằng chính quyền chưa đánh giá đúng công việc và sự đóng góp của họ. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi rằng, những nhân viên không chấp nhận gói nghỉ việc liệu có phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải trong thời gian tới hay không. Vì việc cắt giảm, được gọi nội bộ là "Giảm lực lượng quy mô lớn", có thể bắt đầu ngay sau thời hạn chót.
Linh Anh (Tổng hợp)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/my-quyet-tam-tinh-gon-bo-may-hanh-chinh-dot-pha-va-thach-thuc-post403711.html