Thay vì nhắc nhiều đến việc viện trợ vũ khí cho Ukraine như hiện nay, chính quyền sắp tới của Mỹ đang dành nhiều ưu tiên hơn cho tiến trình đối thoại. Hôm qua (16/1), ông Scott Bessent – người được ông Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, tuyên bố sẵn sàng ủng hộ tăng cường các lệnh trừng phạt để buộc Nga phải tới bàn đối thoại, kết thúc cuộc xung đột.
Ông Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: The Hill.
Ông Bessent nói: “Tôi tin rằng các lệnh trừng phạt hiện nay là không đủ. Theo tôi, chính quyền Mỹ trước đây từng lo lắng về việc tăng giá năng lượng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Nhưng nếu tôi được xác nhận làm Bộ trưởng Tài chính và Tổng thống sắp tới Donald Trump yêu cầu tôi như một phần chiến lược để chấm dứt xung đột Ukraine, tôi sẽ ủng hộ 100% việc tăng các lệnh trừng phạt, đặc biệt với các công ty dầu mỏ lớn của Nga, lên mức giới hạn buộc Nga phải vào ngồi vào bàn đàm phán”.
Những ngày qua, cả phía Mỹ và Nga đều nhắc đến khả năng một cuộc gọi sớm, thậm chí là một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ngay khi ông Donald Trump nhậm chức, mở ra những hy vọng hai bên sẽ sớm “dàn xếp, kết thúc” cuộc xung đột Ukraine qua đối thoại. Marco Rubio - người được ông Donald Trump đề cử làm Ngoại trưởng khẳng định, cả Nga và Ukraine sẽ đều phải nhượng bộ, nhưng trên thực tế Ukraine “khó có thể” lấy lại được “các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga”.
Trước “thực tế mới” từ đồng minh Mỹ, Ukraine đã kêu gọi sự tăng cường hỗ trợ quân sự từ châu Âu. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chiến thắng của nước này trước Nga sẽ có ý nghĩa quan trọng với phần còn lại của châu Âu, trong việc đối phó với cái mà họ gọi là các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga. Thậm chí ông cảnh báo, châu Âu không có cơ hội chống lại Nga nếu không có quân đội Ukraine.
Để trấn an Ukraine, Đại diện cấp cao về Chính sách an ninh và đối ngoại của EU Kaja Kallas cho biết, EU cũng sẵn sàng tiếp quản vai trò dẫn dắt nỗ lực hỗ trợ nếu Mỹ không muốn làm.
Hôm qua, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đã tới Ukraine để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu: “Chúng tôi cần phải đưa ra sự hỗ trợ cần thiết. Đó là những gì tôi đang thảo luận với Tổng thống Ukraine. Chúng tôi không bao giờ được từ bỏ điều đó và chúng tôi đang đi đầu. Cuộc xung đột Ukraine đã khiến NATO đoàn kết chặt chẽ hơn. NATO lớn hơn và mạnh hơn trước đây, và chúng ta phải ủng hộ Ukraine lâu nhất có thể.”
Thủ tướng Anh khẳng định, nước này sẽ “đóng vai trò” trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine sau xung đột với Thỏa thuận đối tác 100 năm được lãnh đạo 2 nước ký ngày hôm qua. Ngoài các hợp tác kinh tế, thỏa thuận “thế kỷ” này được cho sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ Anh - Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng và mở đường cho việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Anh được chú ý nhiều hơn trong bối cảnh một số hãng truyền thông tiết lộ Anh và Pháp đang bí mật đàm phán vấn đề triển khai binh sĩ tới Ukraine với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận Mỹ, Đức, Slovakia và Hungary không muốn Ukraine gia nhập NATO vì nhiều lý do.
Ngược lại, một số nước châu Âu, bao gồm Hungary và Slovakia lại muốn Nga và Ukraine đàm phán để kết thúc xung đột. Mới đây, Thụy Sĩ tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian để thúc đẩy đối thoại về cuộc xung đột Ukraine, bao gồm việc tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Đình Nam/VOV1 tổng hợp