Vào tuần rồi, hàng trăm nhân viên hợp đồng của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã bị cho nghỉ không lương và một số người bị chấm dứt hợp đồng sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh đóng băng toàn diện đối với viện trợ nước ngoài của Mỹ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với tỉ phú Elon Musk, việc tạm thời đóng băng viện trợ của USAID là chưa đủ. Là người được chỉ định làm lãnh đạo cơ quan có tên Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE), ông Musk cho rằng "không thể cứu vãn" được USAID và đã đến lúc cơ quan này phải "chết".
Những bình luận trên đã gây ra cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về tương lai của cơ quan viện trợ này. Theo đài Al Jazeera, ông Trump hiện chưa có thông báo chính thức nào về việc đóng cửa USAID. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc Mỹ ngừng viện trợ có thể gây tổn hại cho các đồng minh và tạo khoảng trống mà những quốc gia đối thủ của Washington có thể dễ dàng lấp đầy.
Trong năm tài chính 2023, Mỹ đã chi 72 tỉ USD viện trợ trên toàn cầu cho mọi lĩnh vực, từ sức khỏe phụ nữ ở khu vực xung đột đến việc tiếp cận nước sạch, điều trị HIV/AIDS, an ninh năng lượng...
Riêng USAID cung cấp 42% tổng số viện trợ nhân đạo được Liên hợp quốc (LHQ) theo dõi vào năm 2024 và có hơn 10.000 nhân viên. Dù vậy, USAID cũng đối mặt một số chỉ trích, từ chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại cho đến tình trạng kém hiệu quả.
Một cậu bé ở Mozambique ngủ cạnh một túi thực phẩm viện trợ do USAID tài trợ và WFP phân phối Ảnh: UN NEWS
Trước mắt, kịch bản đóng cửa USAID có thể gây ra tác động lan tỏa đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tờ Seattle Post-Intelligencer (Mỹ) dẫn chứng một số ví dụ: USAID hiện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại Colombia, các nỗ lực bảo tồn và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng người bản địa ở Brazil…
Chỉ riêng năm 2024, cơ quan này đã chuyển khoảng 45 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ.
Vào năm ngoái, Mỹ đã viện trợ nhân đạo hơn 6,5 tỉ USD cho khu vực châu Phi hạ Sahara. Tại khu vực này, Mỹ có với chương trình PEPFAR ước tính đã cứu sống nhiều triệu bệnh nhân HIV/AISD bằng hệ thống phòng khám miễn phí. Viện trợ từ Mỹ cũng là nguồn lực quan trọng cho các hoạt động giúp bé gái được đến trường và tránh tình trạng tảo hôn.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng hưởng lợi từ USAID. Chẳng hạn, USAID cung cấp 180 triệu USD cho các dự án hỗ trợ nhân đạo sau thiên tai, giáo dục, y tế và các hoạt động xã hội khác ở Philippines năm 2024.
Tại Indonesia, theo trang The Guardian, 153 triệu USD được USAID dành cho các hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khí hậu, môi trường, tăng trưởng kinh tế, giáo dục và y tế năm 2023. Hoạt động của tổ chức này tại Campuchia hỗ trợ những dự án về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em…
Bên cạnh đó, sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) của ông Trump cũng được cho là sẽ mang đến tác động toàn cầu. Ngay cả việc rút lui tạm thời cũng sẽ gây gián đoạn lớn, thậm chí là hậu quả thảm khốc nếu đại dịch mới xảy ra.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO trong lịch sử. Nước này cung cấp 1,28 tỉ USD cho WHO trong chu kỳ ngân sách 2 năm 2022-2023, chiếm 16,3% tổng số tiền đóng góp. Ngoài ra, giới chức Mỹ còn cung cấp chuyên môn kỹ thuật và lãnh đạo, cũng như hợp tác với WHO trong việc điều tra và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trên thế giới.
Nếu không có gì thay đổi, Mỹ sẽ chính thức rời khỏi WHO ngày 22-1-2026. Tuy nhiên, một nguồn tin của Reuters cho hay chính quyền ông Trump cũng cân nhắc kế hoạch cải cách WHO, bao gồm việc đưa một người Mỹ vào vị trí lãnh đạo để nước này tiếp tục là thành viên của WHO.
Bắc Kinh cứng rắn với Washington
Trung Quốc đã có phản ứng cứng rắn hơn với Mỹ trong cuộc đối đầu thuế quan do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Theo đài CNBC, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian ngày 6-2 tuyên bố trước những hành động "bắt nạt" một chiều, Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Người này nói thêm Bắc Kinh sẽ không kích động tranh chấp thương mại và sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua thảo luận.
Trước đó một ngày, Trung Quốc đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phản đối mức thuế mới 10% của Tổng thống Trump lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và việc ông hủy bỏ miễn thuế cho các gói hàng có giá trị thấp. Phía Trung Quốc lập luận rằng những hành động này mang tính bảo hộ và vi phạm các quy tắc của WTO.
WTO cho biết Trung Quốc đã gửi yêu cầu tham vấn với Mỹ về thuế quan. Yêu cầu này là sự khởi đầu của tiến trình có thể dẫn đến phán quyết rằng biện pháp thuế quan của ông Trump vi phạm các quy tắc thương mại.
Năm 2020, WTO đã ra phán quyết tương tự đối với mức thuế quan nhằm vào Bắc Kinh của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ngoài đơn khiếu nại nói trên, Trung Quốc còn đáp trả bằng cách áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như than đá, khí thiên nhiên hóa lỏng, dầu thô và thiết bị nông nghiệp, đồng thời mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với hãng Alphabet, công ty mẹ của Google.
Xuân Mai
ANH THƯ