Những năm đầu sau ngày 30/4/1975, mỹ thuật TP Hồ Chí Minh không chỉ gắn liền với dòng chảy cách mạng sôi nổi trước đó mà còn phản ánh cuộc sống hòa bình, thể hiện tinh thần lao động, chiến đấu và xây dựng đất nước.
Tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của điêu khắc gia Diệp Minh Châu.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 1975 đến 1986 là giai đoạn thành phố tập trung đông đảo đội ngũ họa sĩ qua nhiều thế hệ, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau trên khắp cả nước. Ngoài số họa sĩ đã hoạt động nghề nghiệp ở Sài Gòn trước năm 1975 như Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Nguyễn Thị Tâm, Lê Minh Ngữ, Uyên Huy… còn có lực lượng họa sĩ từ chiến khu về như Quách Phong, Cổ Tấn Long Châu, Trang Phượng, Nguyễn Thanh Châu, Phan Mai Trực… và một số họa sĩ miền Nam tập kết ra Bắc trở về như Hoàng Trầm, Phạm Văn Tâm, Lê Thanh Trừ, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Thanh Minh, Trần Văn Phú, Ca Lê Thắng… hay chuyển vào Nam theo gia đình sinh sống như Trịnh Kim Vinh, Đào Minh Tri, Nguyễn Bích Trâm, Tạ Diệu Hương… Bên cạnh đó, một lực lượng lớn họa sĩ trưởng thành từ Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sau năm 1975 gồm Phan Hoài Phi, Lê Đàn, Đặng Thị Dương, Phan Oánh, Trần Hữu Tri…
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết đây là giai đoạn cả nước vẫn sống trong nền kinh tế bao cấp, miền Nam đang tiến hành cải tạo xã hội và xây dựng xã hội mới nên rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc tại chỗ do đã quen sáng tác theo ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại trở nên rụt rè trước hoàn cảnh xã hội đổi thay. Các họa sĩ từ chiến khu về hay từ miền Bắc chuyển vào vẫn sáng tác chủ yếu theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa phục vụ nhu cầu chính trị. Vì thế, thời kỳ này không có nhiều cuộc triển lãm tập thể và khuynh hướng sáng tác chủ yếu là theo các đề tài kháng chiến, lao động sản xuất tại các hợp tác xã, nhà máy, các cuộc cải tạo xã hội…, với ngôn ngữ thể hiện chủ yếu là hiện thực, ấn tượng hay tượng trưng. Trong suốt thời gian 12 năm, không có một cuộc triển lãm cá nhân nào mà chỉ có các cuộc triển lãm chung do hội nghề nghiệp hay nhà nước tổ chức.
Phải đến thời kỳ Đổi mới từ năm 1986, mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mới thực sự khởi sắc để hướng vào xu thế mở cửa, hội nhập, làm nên giai đoạn sôi động chưa từng có. Năm 1988, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Tuấn Khanh (bút danh Rừng) đánh dấu cột mốc quan trọng, mở đầu cho hàng loạt triển lãm cá nhân khác. Theo thống kê của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, trong năm 1988 có đến 26 lượt triển lãm cá nhân và tập thể, số lần triển lãm cứ tăng dần lên những năm sau đó. Các cuộc triển lãm mỹ thuật gia tăng kèm theo sự bộc phát về tư duy, xu hướng, ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật, mở đầu là Triển lãm tranh trừu tượng được tổ chức tại gallery Hoàng Hạc vào năm 1992. PGS.TS Nguyễn Văn Minh đánh giá: “Cuộc triển lãm tranh trừu tượng lần đầu xuất hiện trước công chúng thưởng ngoạn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng của cả họa sĩ hai miền Nam Bắc tổ chức tại gallery Hoàng Hạc được xem là bước khởi đầu cho hàng loạt cuộc triển lãm cá nhân và tập thể theo khuynh hướng đương đại diễn ra sau này”.
Sự sôi động của đời sống sáng tác tạo đà hình thành nên thị trường mỹ thuật đa dạng, bao gồm cả thị trường tranh tượng mỹ thuật, sự mở rộng hệ thống gallery, nhiều họa sĩ nghiệp dư xuất hiện… Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện các nhà tài trợ, mạnh thường quân nhận hỗ trợ về mặt tài chính cho nghệ sĩ hay nhà sưu tập, công ty nước ngoài, công chúng yêu nghệ thuật mua tranh của các họa sĩ. Nhờ vậy, nhiều họa sĩ sống được bằng nghề và tiếp thêm động lực sáng tạo như Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường… Có thể nói, trong thời kỳ Đổi mới, mỹ thuật thành phố mang tên Bác đã có bước đột phá mạnh mẽ, mà rõ nét là đổi mới cơ chế quản lý nghệ thuật, đề cao trách nhiệm của cá nhân nghệ sĩ, tôn trọng những giá trị lao động sáng tạo và phát huy mọi tiềm năng của nghệ sĩ.
Nếu thời kỳ Đổi mới đặt bản lề thì giai đoạn từ năm 2000 đến nay, mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chính thức mở cánh cửa để bước ra ngoài thế giới, tiệm cận với xu hướng nghệ thuật toàn cầu. Các khuynh hướng ngôn ngữ nghệ thuật thị giác được mở rộng ngày càng nhiều. Ngày nay mọi người đã quen với các ngôn ngữ nghệ thuật mà trước khi mở cửa hội nhập còn lạ lẫm, chưa được các nghệ sĩ mạnh dạn thể hiện như: lập thể, bán trừu tượng, trừu tượng và một số cách diễn đạt của ngôn ngữ hậu hiện đại như nghệ thuật sắp đặt (Installation art), nghệ thuật trình diễn (Performance art), nghệ thuật kỹ thuật số (Digital art) với các nghệ sĩ tiêu biểu như: Lê Triều Điển, Nguyễn Hoài Hương, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Minh Phương, Mai Anh Dũng, Nguyễn Đạm Thủy, Đỗ Xuân Tịnh…. Khuynh hướng nghệ thuật thân thể (Body art) chưa phổ biến nhưng ngôn ngữ vẽ trên người (Body painting) đã xuất hiện nhiều trong các sự kiện văn hóa.
Theo các nhà chuyên môn, lớp họa sĩ thành danh sau năm 2000 như Lê Kinh Tài, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Phạm Trung Hậu, Siu Quý, Ngô Thái Uyên… đã tiếp thu cái mới và đưa nghệ thuật Việt Nam tiến gần với nghệ thuật thế giới. Những khuynh hướng mới này cho thấy họ luôn nhạy cảm với mỹ thuật thế giới và gắn bó với mỹ thuật nước nhà bằng cách lồng ghép những hình thức thể hiện theo khuynh hướng nghệ thuật phương Tây với nội dung và ngôn ngữ dân tộc. Để thể hiện tiếng nói cá nhân mạnh mẽ và tiên phong trong khuynh hướng sáng tác đương đại, nhiều nhóm họa sĩ, điêu khắc được thành lập và hoạt động có hiệu quả như: nhóm điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội, điêu khắc Không Gian Mới, nhóm Sơn Tâm, nhóm Tác phẩm mới…
Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh ngày càng thu hút công chúng yêu nghệ thuật.
Bên cạnh hội họa, ngành điêu khắc cũng có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực điêu khắc công cộng. Trong chương trình bình chọn và công bố 50 tác phẩm văn hóa nghệ thuật nổi bật của TP Hồ Chí Minh trong nửa thế kỷ qua, lĩnh vực mỹ thuật có 10 đề cử. Không ngạc nhiên khi số tác phẩm điêu khắc chiếm đến 7 đề cử, gồm: “Tượng Bác Hồ với thiếu nhi”, tượng Nguyễn Tất Thành ở Bến Nhà Rồng, tượng đài “Mẹ Tổ quốc và chiến sĩ vô danh”, tượng “Hồn thiêng đất nước”, phù điêu “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định”… Đây đều là các tác phẩm quen thuộc với người dân thành phố, ca ngợi truyền thống đấu tranh vẻ vang và công cuộc xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình. Những năm gần đây, điêu khắc không chỉ giới hạn trong tượng đài mà còn mở rộng sang nghệ thuật đương đại với các tác phẩm sắp đặt và trình diễn, thúc đẩy những thể nghiệm mới ở không gian công cộng.
Từ những bước đà trên, mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mạnh dạn bước ra biển lớn, khẳng định tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Triển lãm "New Space" năm 1992 giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Singapore là một trong những sự kiện mở đầu cho các hoạt động giao lưu quốc tế sôi động sau này. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc của thành phố đã có cơ hội tham gia các triển lãm lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, mang đến những góc nhìn mới về mỹ thuật Việt Nam. Đáng chú ý nhất là triển lãm của họa sĩ nữ Quốc tế lần thứ 10, do Hội Họa sĩ nữ Quốc tế kết hợp với Câu lạc bộ Họa sĩ nữ của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2012, quy tụ hơn 220 tác giả đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 70 họa sĩ nữ Việt Nam tham gia.
Nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam đoạt các giải thưởng quốc tế uy tín như Philip Morris, Nokia thúc giục không ít nhà sưu tập nước ngoài tìm đến TP Hồ Chí Minh để săn lùng tranh của nghệ sĩ Việt Nam. Vì thế tranh của họa sĩ đương đại ngày càng bán được giá. Theo giám tuyển Lý Đợi: "Các họa sĩ đương đại nước ta có tranh bán trên 50.000 USD/bức là khá nhiều. Cả nước hiện nay có hơn 100 họa sĩ bán tranh trên giá này, trong đó đặc biệt có cả họa sĩ bán tranh giá vài trăm ngàn USD”.
Nhìn lại chặng đường 50 năm, các nghệ sĩ của mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã không ngừng tiếp thu thành tựu của cha ông, không ngại đổi mới, thử nghiệm và mở rộng cánh cửa ra thế giới. Dù còn nhiều thử thách nhưng phía trước vẫn chờ đợi những quả ngọt từ hành trình đầy sắc màu, sôi động của một thành phố trẻ, sáng tạo và luôn sẵn sàng bứt phá.
Mai Quỳnh Nga