Theo các nguồn tin phương Tây, Mỹ đang cân nhắc phương án đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia dưới một hình thức kiểm soát đặc biệt, thậm chí đề xuất tham gia mua lại các nhà máy điện của Ukraine, bao gồm cả cơ sở hạt nhân. Trong một cuộc trao đổi với Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 3/2025, ông Trump đã mô tả kế hoạch này là “biện pháp bảo vệ tốt nhất cho cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine”.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Zaporizhzhia hiện là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là một trong bốn cơ sở hạt nhân còn hoạt động tại Ukraine. Với công suất sản xuất lên tới 42 tỷ kilowatt giờ (kWh) mỗi năm, nhà máy này đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng điện hạt nhân và chiếm gần 20% tổng sản lượng điện quốc gia, đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 4 triệu hộ gia đình trên khắp Ukraine.
Theo WSJ, nhà máy Zaporizhzhia có khả năng cung cấp điện không chỉ cho phần lãnh thổ do Kiev kiểm soát, mà còn cho các khu vực bị Nga chiếm đóng kể từ năm 2022, khiến nó trở thành một mục tiêu chiến lược đối với hai bên tham chiến.
Tuy nhiên, lập trường của Moscow hoàn toàn trái ngược. Bộ Ngoại giao Nga, trong một tuyên bố vào tháng trước, khẳng định rằng Zaporizhzhia là tài sản hạt nhân của Nga và “sẽ không được chuyển giao cho bất kỳ quốc gia nào khác dưới bất kỳ hình thức nào”.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko trước đó xác nhận rằng Kiev và Washington đang xem xét khả năng hợp tác liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu điện và tái thiết sau xung đột.
Ông Halushchenko cũng cảnh báo tình trạng hiện tại của nhà máy là “thảm khốc và không thể chấp nhận”, đồng thời chỉ trích việc Nga sử dụng cơ sở hạt nhân làm công cụ gây sức ép quân sự. Ông cho biết kể từ tháng 8/2024, đã có hơn 150 vụ UAV và tên lửa Nga bay qua hoặc gần các nhà máy điện hạt nhân, làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về an toàn hạt nhân. Ông đặc biệt cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào trạm biến áp có thể gây ra sự cố tương tự như thảm họa Fukushima nếu không được kiểm soát.
Zaporizhzhia hiện có 6 lò phản ứng VVER-1000 và 1 cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Tất cả các lò phản ứng đã được đưa về trạng thái "tắt lạnh" kể từ khi Nga chiếm đóng nhà máy vào tháng 3/2022. Theo Energoatom, tình trạng kỹ thuật hiện tại không cho phép nhà máy hoạt động trở lại trong thời gian tới.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo RBC-Ukraine