Mỹ, Trung Quốc có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ cuộc họp Geneva: Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ra sao?

Mỹ, Trung Quốc có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ cuộc họp Geneva: Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ra sao?
10 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triệu Húc và Phó Ngoại trưởng Mỹ Christopher Landau đã có cuộc điện đàm để trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng. Mặc dù cả hai phía đều không công bố chi tiết các nội dung cụ thể, tuy nhiên giới quan sát nhận định đây là bước tiếp theo của cuộc đối thoại cấp cao từng diễn ra tại Geneva trước đó.
Theo Dan Wang, Giám đốc khu vực Trung Quốc của Eurasia Group, cuộc gọi này chứng tỏ kênh liên lạc giữa hai bên – vốn được thiết lập tại Geneva – đang vận hành hiệu quả. Ông cho rằng việc Bắc Kinh nay đã “biết rõ ai là người cần liên hệ bên phía Mỹ” là một tín hiệu lạc quan trong tiến trình đàm phán.
Dù chưa rõ có bàn tới vấn đề thuế quan hay không, động thái tiếp tục đối thoại được giới phân tích coi là tích cực, trong bối cảnh cả hai quốc gia đang hướng tới một thỏa thuận rộng hơn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tham dự cuộc họp bộ trưởng ngoại giao G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 21/2/2024.
Mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung có đang được cải thiện?
Cuộc điện đàm giữa ông Mã Triệu Húc và ông Christopher Landau là cuộc gọi cấp ngoại giao thứ hai trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Trước đó, vào tháng 1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, đánh dấu việc khôi phục dần quan hệ ngoại giao giữa hai bên.
Cùng tuần này, ông Mã cũng đã gặp tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc – ông David Perdue. Trong cuộc gặp, hai bên thảo luận về hướng hợp tác trong đàm phán thương mại. Đại sứ Perdue cũng chia sẻ rằng ông mang theo các ưu tiên chiến lược của Tổng thống Trump tới Trung Quốc, thể hiện mong muốn đạt được “những kết quả cụ thể vì lợi ích của người dân Mỹ”.
Theo giáo sư Ngô Tân Ba từ Đại học Phúc Đán, Trung Quốc và Mỹ có thể đang chuẩn bị cho vòng đàm phán mới, trong đó có nội dung về kiểm soát dòng chảy fentanyl – một loại ma túy tổng hợp nguy hiểm – từ Trung Quốc sang Mỹ.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến gần thỏa thuận hay tiếp tục đối đầu?
Sau cuộc gặp tại Geneva, hai nước đã ra tuyên bố chung hiếm hoi, thống nhất tạm thời hạ thuế quan với phần lớn hàng hóa của nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán sâu hơn. Lần gần nhất, Mỹ - Trung đưa ra tuyên bố chung là từ tháng 11/2023, khi hai bên cam kết hợp tác về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, bên dưới bề nổi hợp tác, căng thẳng vẫn tiếp tục. Chính quyền ông Trump vẫn thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường và kiểm soát xuất khẩu tiền chất fentanyl. Ngược lại, Bắc Kinh đang cố gắng thể hiện thiện chí nhưng đồng thời bảo vệ lợi ích trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ.
Trong một cuộc gặp riêng rẽ với CEO JPMorgan Chase – ông Jamie Dimon – Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết đàm phán kinh tế với Mỹ đã “có tiến triển đáng kể” và Trung Quốc có thiện chí mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Mỹ.
Dù tạm đình chiến về thuế, căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ vẫn là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung. Chính quyền Mỹ gần đây đã cảnh báo các doanh nghiệp không sử dụng chip AI của Trung Quốc, đặc biệt là từ Huawei – tập đoàn từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Phản ứng lại, Trung Quốc gọi động thái này là “hành động bắt nạt đơn phương”, đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp cứng rắn để bảo vệ lợi ích của mình. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng lên án Mỹ là bên làm suy yếu nỗ lực đàm phán thương mại.
Theo các nhà phân tích của Nomura, sự đối đầu trong lĩnh vực công nghệ chiến lược là điều “không thể tránh khỏi”. Họ dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, trong khi Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách siết chặt xuất khẩu đất hiếm.
Ngay cả khi thuế quan được tạm hạ, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tìm cách giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các cuộc khảo sát cho thấy các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chủ động đa dạng hóa thị trường, còn doanh nghiệp Mỹ thì tăng tốc chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Sự lo ngại về một cuộc “tách rời toàn diện” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn hiện hữu. Trong khi chính phủ hai nước nỗ lực duy trì đối thoại, thì cộng đồng doanh nghiệp dường như đã chủ động chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Câu chuyện đàm phán thương mại Mỹ - Trung, do đó, không chỉ là vấn đề thuế hay thị trường, mà còn là cuộc chơi địa chính trị dài hơi, trong đó công nghệ và an ninh quốc gia là các quân cờ chiến lược không thể bỏ qua.
Kì Lân (Theo CNBC)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/my-trung-quoc-co-cuoc-goi-dau-tien-ke-tu-cuoc-hop-geneva-dieu-gi-se-xay-ra-204252305145202965.htm