Chậm công bố cổ phần để tránh chi phí 150 triệu USD
Theo đơn khiếu nại, tỷ phú Elon Musk bắt đầu mua cổ phiếu của Twitter vào đầu năm 2022 và vượt qua ngưỡng sở hữu 5% vào ngày 14/3/2022. Nhưng ông đã không nộp Biểu 13D cần thiết cho SEC theo yêu cầu của luật chứng khoán liên bang cho đến ngày 4/4/2022. Trong thời gian đó, Elon Musk đã có thể mua thêm cổ phiếu với “mức giá thấp một cách giả tạo”. Và nhờ vào sự chậm trễ kéo dài 11 ngày này mà ông đã tiết kiệm được 150 triệu USD tiền phải trả cho Twitter khi mua lại công ty.
Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk.
Cụ thể, bắt đầu từ tháng 1/2022, Elon Musk đã chỉ đạo người quản lý tài sản cá nhân của mình để một nhà môi giới mua một khối lượng lớn cổ phiếu Twitter (nhưng không quá 5%). Đơn kiện của SEC có đoạn cho hay, người quản lý tài sản của tỷ phú đã cảnh báo nhà môi giới mua cổ phiếu theo cách có thể làm giảm bất kỳ mức tăng nào về giá cổ phiếu của Twitter, do nhu cầu tăng lên từ một người mua lớn. Và nhà môi giới này đã thực hiện việc mua cổ phiếu từ ngày 31/1/2022 đến tháng 2/2022.
Vào khoảng cuối tháng 2, nhà môi giới đề nghị Elon Musk tham khảo tư vấn pháp lý về các khoản cổ phần mình đang nắm giữ nhưng cả tỷ phú và người quản lý tài sản của ông đều không làm vậy. Ngày 28/2/2022, nhà môi giới tiếp tục hỏi người quản lý tài sản của Elon Musk rằng có muốn mua thêm cổ phiếu Twitter không (vượt qua ngưỡng 5% quan trọng). Ngày 8/3/2022, người quản lý tài sản của tỷ phú đã yêu cầu nhà môi giới tiếp tục mua. Ngày 14/3/2022, nhà môi giới thông báo rằng Elon Musk đang sở hữu hơn 5% cổ phiếu của Twitter và tại thời điểm đó, một hồ sơ 13D từ tỷ phú lẽ ra phải được nộp cho các cơ quan quản lý trước ngày 24/3/2022, đơn kiện của SEC tiết lộ.
Nhưng thay vì làm theo lời của nhà môi giới, Elon Musk vẫn tiếp tục mua cổ phiếu của Twitter vào và sau khi phiên giao dịch ngày 24/3/2022 đóng cửa, ông đã sở hữu hơn 7% cổ phiếu đang lưu hành của Twitter. Ngày hôm sau, 25/3/2022, Elon Musk đã mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu Twitter với giá 38,20 USD cho một cổ phiếu và đến khi đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm đó, tỷ phú này đã nắm giữ 8% cổ phiếu của Twitter.
Cuối tuần đó, Elon Musk trò chuyện với một thành viên hội đồng quản trị của Twitter và thông báo rằng ông sở hữu ít nhất 7% cổ phiếu. SEC tuyên bố, thành viên hội đồng quản trị đã gợi ý Elon Musk tham gia hội đồng quản trị Twitter và tỷ phú này sau đó thể hiện hơn nữa sự quan tâm đối với Twitter. Sau cuộc nói chuyện, thành viên hội đồng quản trị này đã gửi một tin nhắn nhóm cho Chủ tịch hội đồng quản trị Twitter, một thành viên hội đồng quản trị khác, CEO của Twitter và Elon Musk với nội dung: "Elon - mọi người đều hào hứng về triển vọng anh tham gia và bước tiếp theo là anh hãy trò chuyện với ba người trong số họ để chúng ta có thể nhanh chóng tiến hành việc này. Có lẽ chúng ta có thể hoàn thành việc này trong vài ngày tới".
Ngay ngày hôm sau, Elon Musk đã mua thêm 2,6 triệu cổ phiếu Twitter. Ngày hôm sau nữa, ông mua thêm 2,9 triệu cổ phiếu. Hai ngày sau, Elon Musk đã nói chuyện với một thành viên hội đồng quản trị giấu tên khác và nói rằng ông đang cân nhắc các lựa chọn của mình, bao gồm cả việc mua đứt Twitter. Cũng trong ngày hôm đó, Elon Musk lại mua thêm 2 triệu cổ phiếu nữa.
Tối cùng ngày, Elon Musk đã gặp CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị của Twitter tại Bay Area. CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị nói với Elon Musk rằng họ muốn ông tham gia hội đồng quản trị của Twitter nhưng cần tuân theo các quy trình quản trị nội bộ trước khi họ có thể chính thức đề nghị ông một ghế tại đây. Elon Musk trả lời rằng ông quan tâm đến việc mua Twitter, SEC cáo buộc.
Tỷ phú Elon Musk.
Ngày hôm sau, Elon Musk lại mua thêm 2,2 triệu cổ phiếu và đến khi đóng cửa giao dịch, ông sở hữu hơn 9% cổ phiếu của Twitter. Cuối tuần đó, một thành viên khác của hội đồng quản trị Twitter chính thức đề nghị Elon Musk một ghế trong hội đồng quản trị và ông đã chấp nhận bằng lời nói. Twitter phản hồi bằng cách gửi giấy tờ cho người quản lý tài sản của Elon Musk để ông có thể bắt đầu quá trình trở thành CEO của công ty. Thứ Hai tuần sau, ngày 4/4/2022, Elon Musk đã nộp báo cáo sở hữu có lợi 13G cho SEC, lần đầu tiên tiết lộ rằng ông nắm giữ hơn 5% cổ phiếu của Twitter. Trong hồ sơ, Musk cho biết ông không mua cổ phiếu với mục đích thay đổi hoặc ảnh hưởng đến quyền kiểm soát Twitter. Lập tức, cổ phiếu của Twitter tăng 27% khi tin này được loan tải. Ngày 5/4/2022, Elon Musk tiết lộ là thành viên trong hội đồng quản trị Twitter và đang nắm giữ hơn 9% cổ phiếu bằng cách nộp báo cáo sở hữu có lợi 13D.
SEC lưu ý rằng, những hành động như vậy gây tổn hại đến các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu của họ trong giai đoạn này, vì giá cổ phiếu vẫn bị kìm hãm do quyền sở hữu của Elon Musk không được tiết lộ. Trong ngày ông công bố số cổ phần đang nắm giữ, cổ phiếu của Twitter đã tăng hơn 27%, phản ánh tác động làm thay đổi thị trường của việc công bố chậm trễ. Hãng TronWeekly cho hay, trong đơn kiện, SEC đã nêu chi tiết về các vụ mua lại mang tính chiến lược của Elon Musk, với việc người quản lý tài sản của ông khuyên các nhà môi giới tránh các hành động có thể làm tăng giá cổ phiếu của Twitter.
Vào thời điểm tỷ phú này công bố 9,2% cổ phần của mình (4/4/2022), ông đã chi hơn 500 triệu USD để mua cổ phiếu với giá thấp. SEC khẳng định, bản chất của việc Elon Musk không nộp hồ sơ công bố trong vòng 10 ngày kể từ khi việc mua bán xảy ra theo yêu cầu của Mục 13D, đã tước đi cơ hội của thị trường để biết tất cả thông tin có liên quan trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu. Khiếu nại cũng cáo buộc rằng tỷ phú Mỹ cố tình trì hoãn việc nộp hồ sơ để thu được lợi ích một cách bất công, không minh bạch. Bởi lẽ, các nhà đầu tư đã quyết định bán cổ phiếu của họ trong thời gian này mà không biết về sự quan tâm ngày càng tăng của Elon Musk đối với Twitter và do đó, họ đã phải chịu thiệt hại lớn về kinh tế. SEC đã yêu cầu xét xử bằng bồi thẩm đoàn.
Elon Musk - nạn nhân của cuộc chiến pháp lý?
Hiện những cáo buộc của SEC nhằm vào tỷ phú Elon Musk đang làm rung chuyển Phố Wall. Liệu CEO công nghệ này có phải là nạn nhân của cuộc chiến pháp lý không? Luật sư của Elon Musk đã chỉ trích vụ kiện này, gọi đây là “một khiếu nại ticky tak đơn lẻ”. Đáng chú ý là vụ kiện hiện tại chỉ là là vụ kiện bổ sung cho một số vụ kiện khác đã khiến tỷ phú này vướng vào tranh cãi kể từ khi ông mua lại Twitter, sau đó đổi tên thành X Corp. Và vụ kiện do SEC đệ trình chống lại Elon Musk còn cho thấy rằng, ngay cả những thị trường tài chính lớn cũng không phải lúc nào cũng tránh được những hành vi đáng ngờ. Vụ kiện cũng đặt ra câu hỏi về các mệnh lệnh đạo đức đối với các nhà đầu tư lớn để giúp bảo vệ tính minh bạch và công bằng cho thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư nhỏ, lẻ khác.
Theo hãng Fortune, vụ kiện diễn ra năm tuần sau khi Elon Musk công khai thách thức Chủ tịch SEC sắp mãn nhiệm Gary Gensler bằng cách đăng một lá thư từ luật sư của mình trên X. Lá thư gửi ông Gary Gens với cáo buộc SEC và nhân viên SEC đã quấy rối Elon Musk trong 6 năm với yêu cầu ông phải nộp tiền phạt hoặc phải đối mặt với các cáo buộc. Luật sư của Musk, Alex Spiro, cho biết, ông tin rằng khiếu nại là một “phát súng chia tay”. "Chiến dịch quấy rối kéo dài nhiều năm của SEC đối với ông Elon Musk đã lên đến đỉnh điểm khi họ nộp đơn khiếu nại một tội danh đơn giản", luật sư Alex Spiro viết trong một email gửi hãng Fortune.
SEC đã yêu cầu xét xử vụ kiện với Elon Musk bằng bồi thẩm đoàn.
Vụ kiện của SEC là vụ kiện mới nhất trong một cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Elon Musk và SEC. Hơn nữa, vụ kiện cũng diễn ra trong khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống. Tất cả những điều này, theo giáo sư James Park thuộc Trường Luật UCLA, có vẻ như không đơn giản là một vụ việc về hành vi vi phạm quy định đã được SEC thiết lập từ lâu". “Hoặc là nộp hồ sơ trong vòng 10 ngày hoặc là không; SEC tuyên bố rằng Musk đã không làm như vậy. Cơ quan này cáo buộc rằng Elon Musk đã mua đủ cổ phiếu để vượt qua ngưỡng đó vào ngày 14/3/2022 và không công khai quyền sở hữu của mình cho đến ngày 4/4/2022. SEC cáo buộc rằng, về mặt kỹ thuật, Elon Musk đã kê khai chậm 11 ngày vì vẫn tiếp tục mua cổ phiếu cho đến ngày 24/3/2022. Một việc đơn giản mà phải mất gần 3 năm SEC mới công bố.
“Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại làm như vậy vào thời điểm này. Câu trả lời hợp lý duy nhất là họ muốn hoàn thành trước khi chính quyền thay đổi", David Rosenfeld, cựu đồng giám đốc văn phòng thực thi pháp luật của SEC tại New York và hiện là giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Northern Illinois thẳng thắn nói đồng thời lý giải luôn rằng, chính quyền mới nhiều khả năng sẽ tạo ra một môi trường quản lý thuận lợi hơn cho Elon Musk - người đã quyên góp hàng trăm triệu USD ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống của Donald Trump. “Chủ tịch SEC hiện tại Gary Gensler có thể sẽ được thay thế bởi Paul Atkins được ông Donald Trump đề cử”, ông David Rosenfeld nói.
Trong khi đó, tờ The New Yorker lại đưa tin, dù đơn khiếu nại của SEC được nộp ngay trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump, nhưng cuộc điều tra dẫn đến khiếu nại này đã được thực hiện trong nhiều năm. SEC đã phải triệu tập Elon Musk vào tháng 5/2023 để lấy lời khai và cho hay, tỷ phú này đã hủy bỏ cuộc gặp. Một tòa án liên bang đã duy trì quyết định này để sau đó Elon Musk phải làm chứng vào tháng 5/2024. Các nhân viên điều tra của SEC đã đến phỏng vấn tỷ phú vào ngày 10/9/2024 nhưng ông một lần nữa lại từ chối gặp mặt để tham dự một vụ phóng SpaceX.
Giáo sư Adam Pritchard thuộc Trường Luật Đại học Michigan cho rằng, những thông tin mà SEC cung cấp đã lý giải lý do việc mất nhiều thời gian cho vụ kiện đối với Elon Musk một phần là vì do tỷ phú có vẻ không hợp tác. "Hoàn toàn không có gì bất thường khi các hành động thực thi được đưa ra sau một cuộc bầu cử với sự thay đổi trong chính quyền sắp diễn ra. Nhưng chính quyền mới sẽ khó có thể hủy bỏ vụ kiện. Nhiều khả năng họ có thể phải giải quyết vụ việc với một khoản tiền tượng trưng, nhưng điều đó sẽ gây ra vấn đề vì nó thể hiện sự thiên vị và cho thấy các quy tắc quan trọng của SEC có thể bị cố tình vi phạm mà không bị trừng phạt”.
Đồng quan điểm này, ông David Rosenfeld phân tích, trong những trường hợp bình thường, phần lớn các vụ việc của SEC đều được giải quyết. Nhưng xét đến việc cho đến nay, Elon Musk dường như không muốn làm như vậy, vụ việc gây chú ý đầu tiên của SEC dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump rất có thể mang một ý nghĩa khác. Trên thực tế, ông Elon Musk đang là trung tâm của sự chú ý khi được Tổng thống đắc cử giao là lãnh đạo bộ phận hiệu quả chính phủ (còn được gọi là DOGE), nơi ông và và doanh nhân Vivek Ramaswamy thề sẽ thắt chặt hoạt động hành chính nhà nước. Vậy giờ không có gì bằng một vụ gian lận dân sự khiến tỷ phú này mất tập trung. Các cáo buộc thậm chí còn có thêm lợi thế là gây chia rẽ giữa Chủ tịch SEC được ông Donald Trump đề cử Paul Atkins, và đội ngũ thực thi pháp luật của SEC đã điều tra vấn đề này.
Chu Nguyễn