Xe điện của hãng Tesla được sạc tại một trạm ở Jessheim, Na Uy ngày 17/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay giữa bài toán môi trường, năng lượng và hạ tầng, thì Na Uy đã làm được điều mà thế giới chỉ mới dám mơ ước. Đó là chuyển đổi gần như toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông cá nhân sang xe điện.
"Vương quốc" của xe điện
Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Đường bộ Na Uy (OFV), 88,9% xe mới bán ra trong năm 2024 là xe điện hoàn toàn, tăng mạnh so với con số 82% vào năm 2023. Tỷ lệ này bỏ xa những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản. Chỉ trong chưa đầy hai thập kỷ, từ những năm 2000 đến nay, Na Uy đã từ một quốc gia sử dụng xe xăng như bao nước khác trở thành quốc gia có tỷ lệ xe điện mới cao nhất thế giới.
Theo tạp chí Undark thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), thành công của Na Uy trong phổ cập xe điện không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của một nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc, cùng với loạt chính sách công phù hợp và nhất quán từ chính phủ.
Na Uy thuộc nhóm những quốc gia giàu có nhất thế giới theo GDP bình quân đầu người nhờ vào trữ lượng dầu khí dồi dào. Mặc dù sự thịnh vượng của Na Uy đến từ ngành công nghiệp dầu khí, lĩnh vực tưởng như trái chiều với mục tiêu phát triển bền vững, nhưng chính nguồn lực này đã giúp nước này có đủ điều kiện để đầu tư dài hạn vào quá trình chuyển đổi xanh.
Nguồn lực này đã giúp Na Uy xây dựng được quỹ đầu tư quốc gia trị giá hơn 1.740 tỷ USD, tạo điều kiện để chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn như hệ thống trạm sạc xe điện, đồng thời triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ tài chính quy mô lớn và liên tục mà không lo ngại về áp lực ngân sách.
Bên cạnh đó, với 88% lượng điện sản xuất đến từ thủy điện, Na Uy có một trong những hệ thống năng lượng điện hóa lớn nhất thế giới. Quốc gia này đang vận hành hơn 1.700 nhà máy thủy điện với tổng công suất khoảng 33.700 MW, tạo ra sản lượng bình quân hàng năm trên 135 TWh. Đặc biệt, nhờ hệ thống hồ chứa lớn với sức trữ lên tới 87 TWh, phần lớn thủy điện của Na Uy có thể điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu tiêu thụ. Đây chính là nền tảng ổn định và bền vững, cho phép nước này thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện trên quy mô lớn mà không gặp rào cản về năng lượng.
Phương pháp thuyết phục
Theo hãng tin Reuters, về góc độ chính sách, Na Uy đã lựa chọn phương pháp “cây gậy và củ cà rốt”, kết hợp linh hoạt giữa ưu đãi và ràng buộc để định hướng hành vi tiêu dùng. Các chính sách hỗ trợ xe điện tại nước này được khởi động từ những năm 1990, với trọng tâm là khuyến khích người dân tự nguyện chuyển đổi.
Cụ thể, người dân Na Uy vẫn có quyền mua và sử dụng phương tiện có động cơ đốt trong, nhưng phải chịu mức thuế rất cao, đặc biệt nếu xe phát thải nhiều CO₂. Trong khi đó, xe điện được miễn hoàn toàn thuế VAT và thuế nhập khẩu, đồng thời hưởng nhiều đặc quyền như miễn phí đỗ xe, giảm phí cầu đường và được lưu thông trong làn xe buýt v.v..., khiến lựa chọn xe điện vừa kinh tế, vừa thuận tiện hơn rõ rệt.
Từ năm 2023, Na Uy bắt đầu từng bước loại bỏ một số ưu đãi thuế dành cho xe điện, phản ánh thị trường đã bước vào giai đoạn "chín muồi". Cụ thể, thuế mua xe mới dựa trên trọng lượng của xe điện đã được áp dụng và thuế VAT 25% được áp dụng đối với phần giá trị vượt quá 500.000 kroner (tương đương khoảng 47.000 USD) trên mỗi xe. Tuy nhiên, sự thay đổi này không gây ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng chuyển đổi, bởi phần lớn người tiêu dùng Na Uy đã hình thành thói quen lựa chọn xe điện không chỉ vì lợi ích tài chính, mà còn vì nhận thức rõ ràng về lợi ích môi trường và xã hội.
Thành công của Na Uy là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chiến lược chính sách công được xây dựng bài bản và thực hiện nghiêm túc trong thời gian dài. Dù điều kiện kinh tế và xã hội giữa hai nước có nhiều khác biệt nhưng bài học từ Na Uy vẫn mang lại nhiều giá trị tham khảo quan trọng trong việc xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cho quá trình chuyển đổi của những quốc gia bắt đầu bước vào hành trình loại bỏ nguyên liệu hóa thạch.
Thứ nhất, về góc độ hoạch định và triển khai chính sách, việc xây dựng được một lộ trình dài hạn, nhất quán và có khả năng điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các quốc gia cần xác định rõ mục tiêu chuyển đổi, ví dụ như tỷ lệ xe điện trong tổng số phương tiện đăng ký mới đến từng giai đoạn. Chính sách cũng cần được thiết kế theo hướng tạo động lực và định hướng hành vi tiêu dùng, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách tự nhiên, ổn định và không gây sốc cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả theo định kỳ để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với diễn biến thực tế và mức độ sẵn sàng của người dân cũng như doanh nghiệp.
Thứ hai, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh cần được nâng đỡ bởi một nền tảng hạ tầng vững chắc và thể chế linh hoạt. Để triển khai xe điện trên diện rộng, các quốc gia cần chủ động tăng cường đầu tư vào hệ thống trạm sạc điện công cộng, đặc biệt tại các đô thị lớn, khu dân cư và các tuyến giao thông huyết mạch. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính ban đầu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng như tín dụng xanh, ưu đãi thuế có thời hạn, hoặc hình thức hợp công tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng sạc. Về mặt thể chế, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe điện và trạm sạc, đồng thời kiện toàn năng lực quản lý liên ngành giữa giao thông, năng lượng và xây dựng để quá trình chuyển đổi diễn ra thống nhất và hiệu quả. Nếu được chuẩn bị đầy đủ về các nguồn lực nền tảng này, các quốc gia hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian chuyển đổi và tránh được những thách thức mà các quốc gia đi trước từng đối mặt.
Thứ ba, bên cạnh các yếu tố về hạ tầng và chính sách, cần đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò của truyền thông và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức xã hội. Người dân chỉ thực sự chuyển đổi hành vi một cách bền vững khi họ hiểu rõ lý do và cảm thấy việc lựa chọn xe điện là đúng đắn cả về kinh tế lẫn trách nhiệm môi trường. Vì vậy, cần xây dựng các chiến dịch truyền thông đa dạng, xuyên suốt và dễ tiếp cận, kết hợp giữa phương tiện truyền thống, mạng xã hội, hệ thống giáo dục và các tổ chức xã hội. Việc truyền thông không nên chỉ dừng ở quảng bá sản phẩm, mà cần hướng tới việc thay đổi nhận thức, hình thành chuẩn mực tiêu dùng mới và khơi dậy tinh thần tự nguyện tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh của người dân.
Với một chiến lược rõ ràng và cách tiếp cận phù hợp, các quốc gia hoàn toàn có thể tạo ra cú bứt phá tương tự trong tương lai gần.
Hải Trần/Báo Tin tức và Dân tộc