Thu ngân sách vượt 2 triệu tỷ đồng
Sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 342,7 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt trên 20% so dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi NSNN năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Công tác điều hành chi NSNN năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.
Nợ công/GDP đến cuối năm 2024 ước thực hiện 34,7%, nợ Chính phủ/GDP ước thực hiện 32,2%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP ước thực hiện 31,8%, trong phạm vi Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn 1,93% giảm 1% so với năm 2023.
Về quản lý tài sản công, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2024 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Đến ngày 31/12/2024, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 67.480 tài sản, với tổng nguyên giá 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị còn lại 2,7 triệu tỷ đồng; tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã đăng nhập là 915,2 nghìn km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn tập trung đã đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 15.460 công trình, tổng giá trị 38.88 tỷ đồng, giá trị còn lại là 20.014 tỷ đồng.
Đối với đầu tư công, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng).
Bộ trưởng đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội (đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra); tạo nền tảng, tạo đà, khí thế mới, tâm thế mới, tạo hi vọng, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào năm 2025 với niềm tin hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp.
Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm sắp xếp, xử lý nhà đất
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nêu rõ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí như: Tình trạng xin rút, xin lùi khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn diễn ra, một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, chậm đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; Công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2024 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn; Còn tồn tại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… còn diễn ra ở nhiều nơi. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm; việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập, đang được xem xét, giải quyết rất quyết liệt.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia và đầu tư công; quyết liệt tổ chức triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tình hình sắp xếp, xử lý nhà đất còn diễn ra chậm trễ, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ đề ra. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý tài nguyên đất, đặc biệt là tại các dự án chậm triển khai, vẫn còn tồn tại. Đối với đất đai thuộc các nông, lâm trường, mặc dù đã có các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhưng số lượng tồn đọng vẫn rất lớn.
Về tổ chức bộ máy, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm trường còn chậm tiến độ. Công tác quy hoạch rừng chưa được điều chỉnh một cách quyết liệt và hợp lý, dẫn đến tình trạng quản lý thiếu diện tích rừng lớn, gây ra sự kém hiệu quả và lãng phí trong quản lý các doanh nghiệp, công ty nông, lâm trường.
Từ những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các giải pháp nêu trong báo cáo cần mang tính đột phá để giải quyết triệt để các hạn chế đã được chỉ ra. Báo cáo trình Quốc hội cần tập trung làm rõ các vấn đề này để đảm bảo tính toàn diện và cung cấp đầy đủ thông tin cho các đại biểu Quốc hội.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số quỹ tài chính nhà nước không đạt hiệu quả cao, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng ở một số vùng, kết quả đạt được trong việc giảm nghèo bền vững còn thấp. Tiếp theo, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn tồn tại, một số bộ ngành, địa phương vẫn gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án quan trọng.
Góp ý Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần rà soát tất cả các dự án chậm triển khai, tháo gỡ những bất cập của cơ chế, chính sách để những dự án được triển khai trong thực tiễn cũng là một cách khơi thông nguồn lực, chống lãng phí. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả, đặc biệt ở các địa phương. Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, việc quản lý tài chính, tài sản phải đảm bảo không thất thoát, lãng phí, không tiêu cực. Nguồn lực tài chính, tài sản cần được đưa vào sử dụng hiệu quả.
Hà Linh