Thu hồi triệt để tài sản, đất đai thất thoát, vi phạm theo kết luận, kiến nghị kiểm toán

Thu hồi triệt để tài sản, đất đai thất thoát, vi phạm theo kết luận, kiến nghị kiểm toán
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 24/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương tham dự Phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Nhiều hạn chế đã được khắc phục
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2024.
Công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra); tạo nền tảng, tạo đà, khí thế mới, tâm thế mới, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào năm 2025 với niềm tin hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020-2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản đồng tình đánh giá của Chính phủ và nhấn mạnh, năm 2024, Chính phủ xác định công tác phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên; ban hành nhiều văn bản để thực hiện kế hoạch THTK, CLP; tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.
Chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2024 được điều hành chủ động, linh hoạt. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu THTK, CLP được quán triệt và thực hiện tốt từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước cơ bản chặt chẽ, hiệu quả; thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công được tăng cường, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Việc thực hiện điều chuyển số vốn chưa được phân bổ, vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn, góp phần quan trọng vào kết quả tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Thống nhất với báo cáo của Chính phủ, phát biểu tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cho biết, liên quan đến công tác chống lãng phí, thời gian qua, Chính phủ đã thành lập nhiều Ban chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, qua đó đã tháo gỡ được nhiều dự án có khó khăn,vướng mắc như dự án theo Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án vi phạm về đất đai theo Luật Đất đai trước năm 2013. Đây là những nỗ lực trong công tác chống lãng phí của Chính phủ cần được bổ sung trong Báo cáo.
Bên cạnh đó, về công tác thực hành tiết kiệm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung làm rõ điểm mới trong quản lý chi ngân sách của năm 2024. Theo đó, khác với các năm trước, ngoài việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, trừ lương và các khoản theo lương để tạo nguồn cải cách tiền lương, năm 2024 còn có thêm 50% phần tăng dự toán chi thường xuyên cao hơn so với dự toán chi thường xuyên của năm 2023 để dành cho chi đầu tư phát triển.
Đẩy mạnh xử lý lãng phí tài nguyên đất đai
Phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ xác định siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi NSNN theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; THTK,CLP, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.
Đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Chính phủ cũng xác định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công; quyết liệt tổ chức triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng; có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời.
Cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
Đ. KHOA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/thu-hoi-triet-de-tai-san-dat-dai-that-thoat-vi-pham-theo-ket-luan-kien-nghi-kiem-toan-39745.html