Theo quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm 06 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. Trong đó, có 1 giáo sư và 5 phó giáo sư.
Cụ thể, tân Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh (sinh năm 1980, quê ở tỉnh Nghệ An) từng là ứng viên duy nhất được Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2024.
Thầy Vinh phát biểu trong Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học của nhà trường vào tháng 3/2024. (Ảnh: website nhà trường)
Theo thông tin trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, thầy Vinh hiện là Chủ nhiệm khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước đó, thầy Vinh nhận bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Heinrich-Heine, Thành phố Duesseldorf, Cộng hòa Liên bang Đức; được công nhận chức danh phó giáo sư ngày 8/4/2015, ngành Công nghệ thông tin.
Hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Vinh là phát triển các phương pháp tối ưu và tính toán hiệu năng cao nhằm xây dựng quá trình tiến hóa của các loài sinh vật dựa vào các trình tự sinh học; phân tích dữ liệu hệ gene, trong đó tập trung vào hệ gene người, nhằm dự đoán chức năng mà mối quan hệ giữa gene cũng như các biến đổi trên gene với các bệnh.
Theo Google scholar, thầy Vinh có chỉ số H-index là 18; số lần trích dẫn trên 7888.
Về nghiên cứu khoa học, thầy Vinh đã hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và công bố 64 bài báo khoa học, trong đó 32 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Đồng thời, Giáo sư đã biên soạn 3 cuốn sách giáo trình và sách chuyên khảo phục vụ đào tạo đại học và sau đại học.
Bên cạnh những thành tích về nghiên cứu khoa học và đào tạo, thầy Vinh đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác như: Khen thưởng Huy chương vàng Tin học quốc tế do Thủ tướng Chính phủ cấp năm 1998; Khen thưởng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp năm 2013, 2017, 2020, 2023; Giải thưởng Khoa học Công nghệ do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp năm 2016, 2021; Khen thưởng bài báo xuất sắc do Tạp chí Molecular Evolution Biology cấp năm 2018, 2020, 2022.
Thầy Vinh đã tham gia đóng góp vào nhiều hoạt động cộng đồng như: Là thành viên hội đồng khoa học của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia; thành viên hội đồng khoa học ngành Công nghệ thông tin và ngành Khoa học sự sống của Đại học Quốc gia Hà Nội; huấn luyện viên, phụ trách và tham gia lựa chọn cũng như tập huấn các đội tuyển học sinh giỏi Tin học quốc gia và quốc tế của Việt Nam từ năm 2008;…
5 tân phó giáo sư gồm các thầy: Phan Hải Đăng; Lâm Sinh Công, Võ Đình Hiếu; Phạm Minh Triển; và Lê Đình Anh
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đình Hiếu (sinh năm 1979, quê ở tỉnh Quảng Bình) hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đình Hiếu. (Ảnh: website nhà trường)
Trước đó, thầy Hiếu nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ phần mềm, ngành Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Nhật Bản.
Các hướng nghiên cứu chính của thầy Hiếu là kiến trúc phần mềm; đảm bảo chất lượng phần mềm dựa trên phân tích chương trình.
Thầy Hiếu đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; công bố 33 bài báo khoa học, trong đó có 8 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Chuyển giao đối với sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản DoIT” tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đình Hiếu cũng đạt nhiều khen thưởng khác như: Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2012, Chiến sĩ thi đua cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016.
Theo thông tin trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hải Đăng (sinh năm 1982, quê ở tỉnh Hà Tĩnh).
Hiện tại, thầy Đăng công tác tại Trường Đại học Công nghệ từ tháng 11/2021. Hiện tại, thầy Đăng là Phó chủ nhiệm Bộ môn Thiết kế và quy hoạch, Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông của nhà trường.
Thầy Phan Hải Đăng giới thiệu ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa. (Ảnh: website nhà trường)
Thầy Đăng được cấp bằng tiến sĩ ngày 23/8/2013 tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc.
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Đăng là truyền và tán xạ của sóng siêu âm trong các cấu trúc cơ bản (khoảng 35% thời lượng nghiên cứu); sóng siêu âm trong cấu trúc composite với ứng dụng trong phát hiện và đánh giá khuyết tật, xác định đặc tính vật liệu và siêu âm định lượng xương (40%).
Ngoài ra, thầy Đăng còn nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu một số hướng khác như: Phát triển và cải tiến phương pháp tính toán số dựa trên phần tử hữu hạn và phần tử biên cho một số bài toán cơ học cụ thể (10%); phân tích ứng xử và đặc trưng làm việc của kết cấu liên hợp dầm thép sàn bê tông cốt thép sử dụng liên kết kháng cắt Crestbond (7%); phát triển thuật toán tiến hóa vi phân áp dụng cho bài toán quản lý nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân (4%); mô phỏng động lực học phân tử (MD) các hệ vật liệu silicate (4%).
Thầy Đăng đã công bố 50 bài báo khoa học, trong đó 30 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Trong quá trình công tác, thầy Đăng nhận được nhiều giải thưởng khoa học quốc tế danh giá, như Giải thưởng Bài báo Xuất sắc nhất tại Hội thảo Quốc tế The 6th International Conference on Green Technology and Sustainable Development (Việt Nam, 2022), Giải thưởng Bài báo Xuất sắc nhất tại Hội thảo KSME Annual Conference (Hàn Quốc, 2012), và Học bổng dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc từ Korean Register of Shipping (Hàn Quốc, 2011). Ngoài ra, thầy Đăng còn được vinh danh là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2022-2023.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Anh (sinh năm 1989, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc). Thầy Đình Anh bắt đầu giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ từ năm 2020. Trước đó, thầy Đình Anh nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống Cơ khí, ngành Cơ khí tại Đại học Tohoku, Nhật Bản vào năm 2019.
Thầy Đình Anh trong Lễ trao giải thưởng Quả Cầu vàng năm 2023. (Ảnh: website nhà trường)
Thầy Đình Anh có các hướng nghiên cứu chủ yếu như: quá trình chuyển pha và hiệu ứng nhiệt trong chuyển pha; nghiên cứu nâng cao công suất khí động tua-bin gió trục đứng; nghiên cứu nâng cao hiệu suất của máy và thiết bị thủy khí động lực.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Anh đã công bố hơn 40 bài báo khoa học, trong đó 21 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín ISI/Scopus, biên soạn 01 giáo trình.
Về đề tài nghiên cứu khoa học, tân Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Anh đã và đang thực hiện nghiên cứu 01 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 01 đề tài cấp cơ sở và 02 đề tài nghiên cứu cơ bản (Nafosted).
Theo thông tin trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, thầy Đình Anh từng nhận các khen thưởng gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2024; Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu vàng năm 2023; Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022, 2023; Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo năm 2023; học bổng sau Tiến sĩ năm 2021, 2022; bài báo được vinh danh bởi Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam năm 2023.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Sinh Công (sinh năm 1988, quê ở tỉnh Nam Định), giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chân dung Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Sinh Công. (Ảnh: website nhà trường)
Thầy Công là cựu sinh viên chuyên ngành Hệ thống viễn thông, ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2013, thầy Công nhận bằng thạc sĩ tại Trường Đại học Công nghệ. Năm 2018, thầy Công nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật, chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông tại Đại học Công nghệ Sydney.
Hướng nghiên cứu chính của thầy Công là hiệu năng mạng mật độ thấp và hiệu năng mạng mật độ cao. Đây là 2 mô hình mạng tồn tại song song với nhau trong thực tế.
Cụ thể, mạng mật độ thấp thường được triển khai ở các khu vực ngoại ô, ít vật cản. Mạng mật độ cao được triển khai tại các khu mật độ người dùng cao, nhiều vật cản như trong nhà, tại các sự kiện, nội thành,…. Trong nghiên cứu, thầy Công tập trung ánh xạ các tiêu chuẩn về mạng của Dự án đối tác thế hệ thứ 3 (3GPP) để mô hình hóa hoạt động của các kỹ thuật truyền thông trên 2 cả mạng mật độ thấp và mật độ cao, sử dụng mô hình tế bào lục giác và tiến trình điểm Poisson không gian (Spatial Poisson Point Process). Cách tiếp cận này không chỉ giải quyết các thách thức về mặt lý thuyết mà còn tiếp cận trực tiếp tới việc triển khai mạng di động trong thực tế.
Các kết quả nghiên cứu đã được thể hiện qua 39 bài báo khoa học (trong đó 17 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín ISI/Scopus), 01 bằng độc quyền sáng chế mà ứng viên công bố trong quá trình nghiên cứu từ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đến hiện nay. Cụ thể, thầy Công đã đề xuất, xây dựng các mô hình và biểu thức toán học đánh giá sự ảnh hưởng của môi trường truyền tin, tham số cấu hình của thiết bị đầu cuối và một số kỹ thuật truyền thông tiên tiến lên hiệu năng mạng. Từ đó, xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu năng mạng, tiết kiệm chi phí vận hành (chi phí lắp đặt, chi phí công suất tiêu thụ,…).
Thầy Công nhận các khen thưởng từ Công đoàn, Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2023; Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở năm học 2022-2023, năm học 2018-2019; nhiều năm học nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ; nhận Giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị quốc tế IEEE Region 10 TENCON 2018.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Triển (sinh năm 1980, quê ở tỉnh Bắc Ninh).
Thầy Triển hiện là Phó Chủ nhiệm khoa Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhi Anh)
Năm 2011, thầy Triển nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện, ngành Kỹ thuật điện tại Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc.
Thầy Triển chủ yếu nghiên cứu về thiết kế các thiết bị trong hệ thống tự động; nghiên cứu, xây dựng giải pháp giám sát và tự động hóa.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Triển đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
Trong số 58 bài báo khoa học của thầy Triển được công bố, có 15 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ngoài ra, thầy Triển còn có 02 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.
Được biết, thầy Triển có hơn 12 năm kinh nghiệm giảng dạy với vai trò là giảng viên. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thầy Triển còn tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng chuyên môn trong và ngoài nước như tham gia phản biện nhiều tạp chí quốc tế và quốc gia (IEEE Transactions on Magnetic, IEIE Transactions on Smart Processing and Computing, The Journal of Supercomputing, KSII Transactions on Internet and Information Systems), các hội nghị quốc tế, quốc gia.
Thầy Triển còn là thành viên ban tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; đóng góp tích cực cho Hội vô tuyến Điện tử Việt Nam từ năm 2013, thành viên của Ban kiểm tra Hội vô tuyến Điện tử Việt Nam, hội viên Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam từ 2022.
Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021, thầy Triển nhận nhiều khen thưởng như: Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2014-2015; Bằng khen Giám đốc Đại học Quốc gia Hà nội; Giấy khen Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ vì đạt thành tích xuất sắc.
Ngọc Mai