Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: Nhiều GV đạt PGS 2024 được đào tạo ở nước ngoài

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: Nhiều GV đạt PGS 2024 được đào tạo ở nước ngoài
9 giờ trướcBài gốc
Theo Quyết định số 89/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2024 của Chủ tịch Hội đồng giáo sư Nhà nước cho thấy, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 11 thầy cô đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024 gồm 2 phó giáo sư ngành Hóa học, 5 phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất, 3 phó giáo sư ngành Toán học và 1 phó giáo sư ngành Vật lý.
Danh sách các thầy cô đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) gồm có:
1. Cô Ngô Hồng Ánh Thu (1987) - Phó giáo sư ngành Hóa học
Chức vụ hiện nay: Giảng viên chính, Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa học.
Cô Ngô Hồng Ánh Thu được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô từng có thời gian trao đổi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Xúc tác Leibniz (LIKAT), Rostock (Đức) và trao đổi nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản).
Trong nghiên cứu khoa học cô Ngô Hồng Ánh Thu tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chủ yếu là Nghiên cứu biến tính màng lọc nhằm nâng cao khả năng kháng tắc và kháng tắc sinh học cho màng, ứng dụng trong xử lý và làm sạch ô nhiễm nước, đất và không khí; Nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm có giá trị từ phế phụ phẩm nông nghiệp.
Cô Thu đã công bố 53 bài báo/báo cáo khoa học, trong đó 13 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế SCI/SCIE uy tín, 5 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế khác và 35 bài báo/báo cáo khoa học chuyên ngành trong nước; được công nhận 3 sáng kiến cấp cơ sở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Ngô Hồng Ánh Thu tại đây.
2. Thầy Phạm Quang Trung (1982) - Phó giáo sư ngành Hóa học
Chức vụ hiện nay: Phó trưởng Bộ môn, Khoa Hóa học
Năm 2004, thầy Phạm Quang Trung được cấp bằng đại học ngành Hóa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 2007, thầy được cấp bằng thạc sĩ ngành Vật liệu: Thiết kế, tổng hợp, độ tin cậy, độ bền; chuyên ngành Vật liệu: Độ bền, độ tin cậy tại Đại học Toulon (Pháp). Năm 2011, thầy Trung được cấp bằng tiến sĩ ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa học và Hóa lý polyme tại Đại học Toulon (Pháp).
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Phạm Quang Trung là Tổng hợp polyme và nghiên cứu polyme định hướng là chất kết dính cấu trúc, sơn phủ bề mặt; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng phương pháp phổ cộng hưởng từ hạt nhân.
Thầy Trung đã công bố 32 bài báo khoa học, trong đó 12 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và 1 đề tài cấp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Phạm Quang Trung tại đây.
Thầy Phạm Quang Trung - Phó Trưởng Bộ môn, khoa Hóa học được trao công nhận đạt chuẩn Phó giáo sư năm 2024. Ảnh: NTCC.
3. Thầy Đặng Kinh Bắc (1989) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất
Chức vụ hiện nay: Phó trưởng Bộ môn Địa mạo và Địa lý – Môi trường biển, Khoa Địa lý.
Thầy Đặng Kinh Bắc được cấp bằng cử nhân và thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 2018, thầy Bắc được cấp bằng tiến sĩ ngành Nông nghiệp, chuyên ngành Sinh thái và Dịch vụ hệ sinh thái tại Đại học ChristianAlbrechts-Universität zu Kiel (CAU) (Đức).
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Đặng Kinh Bắc là Địa mạo và Tai biến thiên nhiên; Quản lý Tài nguyên và Môi trường theo tiếp cận dịch vụ hệ sinh thái.
Thầy Bắc đã công bố 71 bài báo và báo cáo khoa học toàn văn, trong đó 32 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (ISI/Scopus), trong đó 3 bài báo là tác giả chính trước khi nhận bằng tiến sĩ, 16 bài báo là tác giả chính sau khi nhận bằng tiến sĩ; đã hoàn thành 6 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Đặng Kinh Bắc tại đây.
4. Thầy Lưu Việt Dũng (1987) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất
Chức vụ hiện nay: Giảng viên, Bộ môn Địa chất môi trường, Khoa Địa chất
Năm 2009, thầy Lưu Việt Dũng được cấp bằng cử nhân ngành Địa kỹ thuật Địa môi trường, chuyên ngành Địa chất môi trường tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 2013, năm 2016, thầy Dũng được cấp bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành Hóa học và Sinh học, chuyên ngành Địa hóa sinh thái Biển tại Đại học Ehime (Nhật Bản).
Trong nghiên cứu khoa học, thầy Lưu Việt Dũng tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chủ yếu là Địa hóa sinh thái biển và vùng bờ; Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Thầy Dũng đã công bố 47 bài báo khoa học, trong đó 14 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên; xuất bản 4 cuốn sách, trong đó 3 thuộc nhà xuất bản có uy tín; 1 thuộc nhà xuất bản quốc tế có uy tín (danh sách SENSE).
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Lưu Việt Dũng tại đây.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dư – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường, trao công nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư năm 2024 cho các nhà giáo. Ảnh: NTCC.
5. Thầy Nguyễn Hữu Duy (1989) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất
Chức vụ hiện nay: Phó trưởng Bộ môn Địa nhân văn và Quy hoạch, Khoa Địa lý.
Năm 2011, thầy Nguyễn Hữu Duy được cấp bằng cử nhân ngành Địa chính, chuyên ngành Quản lý đất đai tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 2015, thầy Duy được cấp bằng thạc sĩ ngành Địa lý và Quy hoạch, chuyên ngành Phát triển bền vững tại các khu vực mới nổi tại Đại học Orleáns (Pháp). Năm 2019, thầy được cấp bằng tiến sĩ ngành Địa lý và Quy hoạch, chuyên ngành Địa lý và Quy hoạch tại Đại học Orleáns (Pháp).
Trong nghiên cứu khoa học, thầy Nguyễn Hữu Duy tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chủ yếu là Nghiên cứu tai biến thiên nhiên trong quy hoạch; Địa lý tài nguyên và môi trường.
Thầy Duy đã công bố 51 bài báo khoa học, trong đó 41 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (35 bài là tác giả chính); đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Nguyễn Hữu Duy tại đây.
6. Cô Nguyễn Ý Như (1987) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất
Chức vụ hiện nay: Phó trưởng Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học.
Cô Nguyễn Ý Như được cấp bằng cử nhân và thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2017, cô được cấp bằng tiến sĩ ngành Quản lý tổng hợp lưu vực sông, chuyên ngành Thủy văn học tại Trường Đại học Yamanashi (Nhật Bản).
2 hướng nghiên cứu chủ yếu của cô Như là nghiên cứu biến động tài nguyên nước dưới tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động kinh tế xã hội và đánh giá rủi ro và định lượng thiệt hại do thiên tai.
Cô Nguyễn Ý Như đã công bố 43 bài báo khoa học, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 16 bài báo khoa học quốc tế uy tín (ISI/Scopus), 1 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, 5 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế, 20 bài đăng trong tạp chí khoa học trong nước, 1 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Nguyễn Ý Như tại đây.
7. Cô Nguyễn Thị Hà Thành (1983) - Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất
Chức vụ hiện nay: Trưởng Bộ môn Địa nhân văn và Quy hoạch, Khoa Địa lý.
Cô Nguyễn Thị Hà Thành được cấp bằng cử nhân và thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2011, cô được cấp bằng tiến sĩ ngành Giao thoa văn hóa tại Đại học Kansai (Nhật Bản).
Trong nghiên cứu khoa học, cô Thành tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chủ yếu là Địa lý nông thôn và đô thị; Địa lý du lịch và bảo tồn thiên nhiên.
Cô Nguyễn Thị Hà Thành đã công bố 30 bài báo khoa học, trong đó 12 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (7 bài là tác giả đầu hoặc tác giả liên hệ), 18 bài báo khoa học trên tạp chí quốc gia có uy tín; 19 báo cáo trong hội thảo, hội nghị, trong đó 1 báo cáo in Kỷ yếu hội nghị quốc tế, 18 báo cáo in Kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc gia.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Nguyễn Thị Hà Thành tại đây.
8. Thầy Trần Mạnh Cường (1977) - Phó giáo sư ngành Toán học
Chức vụ hiện nay: Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Hành chính.
Trong nghiên cứu khoa học, thầy Trần Mạnh Cường tập trung vào 3 hướng nghiên cứu chủ yếu là Toán tử ngẫu nhiên và thác triển toán từ ngẫu nhiên; Các định lý giới hạn trong xác suất và ứng dụng; Ước lượng hàm mật độ, xác suất đuôi và khoảng cách giữa các phân bố sử dụng giải tích ngầu nhiên Malliavin.
Thầy Cường đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; công bố 23 bài báo khoa học, trong đó 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đạt kết quả tốt và xuất sắc; xuất bản 1 cuốn sách giáo trình.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Trần Mạnh Cường tại đây.
Các giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) được trao công nhận đạt chuẩn Phó giáo sư năm 2024. Ảnh: NTCC.
9. Thầy Đỗ Việt Cường (1984) - Phó giáo sư ngành Toán học
Chức vụ hiện nay: Giảng viên, Bộ môn Đại số - Hình học - Tôpô, Khoa Toán - Cơ - Tin học.
Thầy Đỗ Việt Cường có quá trình đào tạo nhiều năm tại Pháp. Thầy được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ ngành Toán học, chuyên ngành Đại số và Lý thuyết số tại Đại học Paris 11 (Pháp) và tiến sĩ ngành Toán học, chuyên ngành Đại số và Lý thuyết số tại Đại học vùng Lorraine (Pháp).
4 hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Cường là Giả thuyết tương ứng metaplectic của Jacquet; Phân thớ Higgs và các thớ Hitchin; Lý thuyết biểu diễn p-adic; Định lý không điểm tổ hợp của Alon và các ứng dụng.
Thầy Đỗ Việt Cường đã công bố 6 bài báo khoa học, trong đó 5 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; là chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Đỗ Việt Cường tại đây.
10. Cô Nguyễn Thị Hoài (1982) - Phó giáo sư ngành Toán học
Chức vụ hiện nay: Giảng viên, Bộ môn Toán học tính toán và Toán ứng dụng, Khoa Toán – Cơ – Tin học.
Năm 2007, cô Nguyễn Thị Hoài được cấp bằng đại học ngành Toán học, chuyên ngành Toán-Tin tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Voronezh (Liên bang Nga).
Năm 2011, cô được cấp bằng tiến sĩ ngành Toán học, chuyên ngành Phương trình vi phân, hệ động lực học và điều khiển tối ưu tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh (Liên bang Nga).
Cô Hoài tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chủ yếu là Nghiệm tiệm cận của hệ phương trình vi phân, sai phân chịu nhiễu kì dị; Nghiệm tiệm cận của bài toán điều khiển tối ưu chịu nhiễu kì dị.
Cô Nguyễn Thị Hoài đã công bố 19 bài báo khoa học, trong đó 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có 1 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp Cơ sở và 1 đề tài cấp Khác.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Nguyễn Thị Hoài tại đây.
11. Thầy Lê Quang Thảo (1982) - Phó giáo sư ngành Vật lý
Chức vụ hiện nay: Giảng viên chính, Khoa Vật lý.
Trong nghiên cứu khoa học, thầy Lê Quang Thảo tập trung chủ yếu vào 2 hướng nghiên cứu là: Tối ưu hóa mạch điện phần cứng và kỹ thuật phần mềm trong các hệ thống điều khiển thích nghi; Xử lý dữ liệu trong các hệ thống nhúng thông minh.
Thầy Thảo đã công bố 31 bài báo khoa học, trong đó 19 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; được cấp 3 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; xuất bản 5 cuốn sách đều thuộc nhà xuất bản có uy tín; hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở.
Xem chi tiết hồ sơ Phó giáo sư Lê Quang Thảo tại đây.
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tính đến tháng 6/2024, nhà trường có 680 cán bộ, viên chức, trong đó có 402 giảng viên (gồm 17 giáo sư, 123 phó giáo sư, 208 tiến sĩ, 14 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú). Tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ là 97,2%, tỉ lệ giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư và phó giáo sư là 43,1%.
Hồng Linh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/truong-dh-khoa-hoc-tu-nhien-nhieu-gv-dat-pgs-2024-duoc-dao-tao-o-nuoc-ngoai-post247204.gd