Năm 2025, làm sao để tiêu được 400 tỉ đồng cho phát triển văn hóa?

Năm 2025, làm sao để tiêu được 400 tỉ đồng cho phát triển văn hóa?
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 8-10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, riêng năm 2025 bố trí 400 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 bố trí 121.850 tỉ đồng.
Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng.
Quan ngại quy mô vốn lớn, không giải ngân được
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay Ủy ban này cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện và khả năng giải ngân ở giai đoạn trước.
“Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” - ý kiến này đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhìn nhận mức vốn nói trên là “rất lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa, mang mục tiêu rất quan trọng, có tác động sâu rộng tới đất nước và con người Việt Nam, ông Lê Quang Mạnh cho rằng về quan điểm, ngần này ngân sách hoặc nhiều hơn nữa để đạt các mục tiêu đề ra là cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tế theo dõi sử dụng ngân sách, đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa, ông Mạnh chia sẻ một số quan ngại.
“Khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia, trong thực tế trước đây rất khó khăn” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói và dẫn chứng giai đoạn 2012 - 2015, chương trình mục tiêu dự kiến bố trí vốn gần 8.000 tỉ, thực tế chỉ thực hiện được gần 1.800 tỉ đồng. Hay giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến là 10.620 tỉ đồng, thực tế bố trí được 2.700 tỉ đồng.
Lý giải nguyên nhân, ông Lê Quang Mạnh cho hay các chương trình xây dựng hạ tầng lớn thường giải ngân tốt hơn, dễ hơn do chi tiêu tiền có định mức. Trong khi đó, văn hóa là lĩnh vực yêu cầu cao, đảm bảo chuẩn mực thì chi một vài chục tỉ, vài ba trăm tỉ là rất khó khăn, chuẩn bị rất nhiều thời gian.
“Đây là lý do chúng tôi quan ngại quy mô vốn lớn trong khi thực tiễn không giải ngân được, hoặc làm đồng loạt cũng rất quan ngại” - theo ông Mạnh.
Liên quan đến khả năng cân đối vốn trong nhiệm kỳ sau, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần đánh giá tổng thể để bố trí, cân đối phù hợp cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi giai đoạn này có một số dự án lớn đang dự kiến triển khai như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, tuyến hàng không, hàng hải… đang tăng quy mô rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc bố trí vốn của năm 2025. Theo ông, khi Quốc hội thông qua chương trình đã là tháng 11-2024, tháng 12 bố trí vốn, khi xong thủ tục cũng hết năm 2025.
“Làm sao tiêu được 400 tỉ đồng này? Tôi thấy không thể tiêu được đồng nào. Nếu bố trí được đã là rất khó khăn thì làm sao tiêu được 400 tỉ này trong 2025, gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng băn khoăn về thời hạn “một năm chuẩn bị đầu tư”, thể hiện trong tờ trình là năm 2025.
“Một dự án bình thường làm đường, làm cầu, kinh nghiệm nhiều, vốn 2.000-3.000 tỉ cũng cần vài năm chuẩn bị. Có dự án hàng chục năm mà khi đi vào thực hiện vẫn thay đổi nhiều. Trong khi quy mô dự án lớn thế mà chỉ có một năm chuẩn bị khung chính sách cho đầu tư là ngắn” - ông Mạnh lưu ý và cho rằng chuẩn bị đầu tư tốt thì giải ngân mới hiệu quả, chưa kể đây là chương trình khó, đòi hỏi yếu tố đa chiều.
“Làm sao mà làm được. Tôi thấy không khả thi”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng quan điểm. Ông dẫn chứng khung chính sách của ba chương trình mục tiêu quốc gia phải chuẩn bị trong hai năm mới xong.
“Lấy văn hóa nuôi văn hóa”, nghiên cứu mô hình “không tiền mà có thể làm được”
Tại tờ trình, Chính phủ nêu bảy mục tiêu tổng quát, chín nhóm mục tiêu cụ thể đến 2030 và thêm chín nhóm mục tiêu khác đến năm 2035.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét các mục tiêu này “quá dàn trải”. “Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quốc gia, tập trung những thứ từng bộ, từng ngành, từng địa phương không làm được, phải quốc gia làm”- ông Định nói và lưu ý những việc từng bộ, ngành, địa phương lâu nay vẫn làm thì “cứ thế mà làm”.
Cho rằng năm năm tới phải là giai đoạn phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung vào ngành không cần dùng nhiều ngân sách.
“Có rất nhiều thứ không cần dùng nhiều ngân sách Nhà nước mà chúng ta vẫn phát triển được. Chúng ta thấy phòng chống lụt bão vừa rồi, tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc, từ lãnh đạo cấp cao đến chiến sĩ, đến người dân, người nghèo”- ông Định dẫn chứng.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, “lấy văn hóa nuôi văn hóa” bởi ngân sách nhà nước không có nhiều.
“Nên giảm bớt vấn đề xây dựng. Tiền bỏ ra xây không biết bao nhiêu cho đủ. Bảo tồn, bảo tàng, di tích thì cần tôn tạo nhưng xây thêm, xây hoành tráng ra không phát huy hiệu quả, rồi bỏ không đấy thì không nên xây” - lời Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đồng tình với quan điểm cần tập trung vào ngành “không cần dùng nhiều ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn chứng phố cổ Hội An có đầu tư nhiều tiền đâu nhưng vẫn thu hút khách thập phương đến ăn uống du lịch, nghỉ ngơi.
“Hội An không cần bỏ tiền ngân sách nhưng vẫn làm được, thu hút đông khách, tạo thương hiệu trong và ngoài nước” - Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng Việt Nam có nhiều nơi như phố cổ Hội An, cần phải nghiên cứu để nhân rộng cách làm.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị chương trình cần chú ý đến văn hóa cơ sở. “Vừa qua có chủ trương xây dựng nhà văn hóa ở ấp, khu vực, các đồng chí xem lại có phát huy được không” - ông Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, văn hóa cơ sở là việc “không tiền mà có thể làm được”. Xây dựng văn hóa cơ sở làm sao để toàn thể người dân xây dựng được ý thức, con người Việt Nam thời kỳ mới.
Dẫn chứng mô hình ngày hội đại đoàn kết của MTTQ thời gian qua rất hay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu thêm các mô hình “không tiền làm được mới là hay”, nhất là trong điều kiện đất nước còn khó khăn.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục băn khoăn về một số mục tiêu của Chương trình. Chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hay mục tiêu đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.
“Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hiện trạng, đưa ra chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm khả thi” - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ giải trình cơ sở đặt ra mục tiêu có ít nhất năm sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam năm 2030.
Đến năm 2035, có ít nhất 5 đến 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
ĐỨC MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/nam-2025-lam-sao-de-tieu-duoc-400-ti-dong-cho-phat-trien-van-hoa-post813856.html