Theo thống kê từ trang IQAir, có thời điểm TP HCM đứng thứ hai các thành phố trên thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí khu vực Miền Nam mới nhất (từ ngày 11 đến 17-3) của Cục Môi trường - Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Nam cho thấy giá trị trung bình 1 giờ, 8 giờ, 24 giờ của các thông số PM10, PM2.5, NO2, O3, CO và SO2 (dùng tính toán AQI) tại những trạm quan trắc ở TP HCM và các vùng khác ở Nam Bộ về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn quy định, đều ở mức trung bình hoặc tốt.
TS Nguyễn Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết giai đoạn 2024-2025, thành phố triển khai 5 nhóm giải pháp kéo giảm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để truyền thông về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường; nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; hiện đại hóa cơ sở vật chất, giám sát tài nguyên và thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, khuyến khích thiết bị tiên tiến để giảm chất thải, kiểm soát ô nhiễm. TP HCM còn tăng cường hợp tác với các địa phương và quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Các nhiệm vụ cụ thể gồm: phòng ngừa và giảm phát thải ô nhiễm không khí; giám sát tuân thủ pháp luật về bảo vệ không khí; nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí; đào tạo nhân lực quản lý chất lượng không khí; tuyên truyền người dân giảm phát thải, bảo vệ không khí.
TP HCM còn chú trọng phát triển công viên cây xanh, mở rộng mảng xanh tại khu dân cư, trường học, cơ quan. TP HCM cũng ưu tiên tài chính và đa dạng hóa nguồn lực để quản lý chất lượng không khí, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu công nghệ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài.
Ái My