Năm rắn nói chuyện về những người 'khắc tinh' của rắn

Năm rắn nói chuyện về những người 'khắc tinh' của rắn
4 giờ trướcBài gốc
Sau một tuần làm việc căng thẳng và áp lực, ca trực cuối tuần là dịp hiếm hoi để các y bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 13 có thời gian hàn huyên, tâm sự cùng nhau. Bên ấm trà nóng thoang thoảng đưa hương, khi các đồng nghiệp đang sôi nổi bàn về chủ đề con rắn trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng của người xưa, Thiếu tá, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô, Chủ nhiệm Khoa vừa mở cuốn hồ sơ bệnh án vừa quay sang nói với mọi người: “Năm 2024, Khoa mình tiếp nhận, điều trị cho gần 20 trường hợp bị rắn cắn. So với hai năm trước, con số này đã giảm đi đáng kể, song không vì vậy mà chúng ta được phép chủ quan. Đề nghị các bộ phận kiểm kê, tính toán, bổ sung thêm vật tư, trang bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân bị rắn cắn trong dịp Tết”.
Theo các y bác sĩ Khoa Cấp cứu, những nơi rậm rạp, ẩm thấp, ít người qua lại thường có có rắn sinh sống. Do đó khi hành quân, diễn tập, đi rừng hay làm nương, làm rẫy, bộ đội và bà con cần chú ý mang mặc trang phục bảo vệ, đề phòng rắn, rết tấn công. Cạp nia “khúc trắng, khúc đen”, cạp nong “khúc đen, khúc vàng”; hổ mang cổ bạnh, tiếng thở “phì, phì”... khi bị chúng cắn, nạn nhân cần rửa sạch vết thương và hạn chế đi lại, nếu không nọc độc sẽ phát tán rất nhanh. Nọc độc rắn có thể là “độc tố thần kinh” hoặc “độc tố tan máu”. Nguyên tắc chung trong điều trị rắn cắn là phải làm chậm quá trình hấp thụ độc tố vào cơ thể. Sau khi xác định được loại rắn độc cắn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng huyết thanh kháng nọc độc đặc hiệu, phù hợp. Người suy hô hấp sẽ được thở oxy, truyền dịch chống sốc; người bị rối loạn đông máu lạnh sẽ được truyền huyết thanh kháng nọc và chế phẩm máu phù hợp.
Thầy thuốc Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 13 thăm khám, điều trị cho một bệnh nhân bị rắn độc cắn.
Cách đây không lâu, trong quá trình tuần tra, canh gác, một quân nhân của Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5, đóng quân tại Phù Mỹ, Bình Định) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân, gây phù nề, sưng tấy, đi lại rất khó khăn. Sau khi vệ sinh, băng bó, đồng đội đưa anh vào Bệnh viện Quân y 13 cấp cứu. Qua xét nghiệm, kiểm tra, phát hiện bệnh nhân bị rối loạn đông máu mức độ nặng, Đại tá, Bác sĩ CKII Đồng Thị Huệ, Chủ nhiệm Khoa Nội chung (nay đã nghỉ hưu) và các cộng sự đã kịp thời truyền huyết thanh kháng nọc rắn, huyết thanh tươi đông lạnh, chống độc không đặc hiệu… giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau 14 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, được cho ra viện, trở về đơn vị công tác bình thường.
Trước đó, trong lúc phát cỏ, tổng dọn vệ sinh cùng đồng đội, một chiến sĩ ở Trung đoàn 739 (Bộ CHQS tỉnh Bình Định) bất ngờ bị rắn cạp nong cắn vào kẽ ngón tay. Xác định anh bị nhiễm độc thần kinh, các thầy thuốc Khoa Cấp cứu đã sử dụng phương pháp chống độc không đặc hiệu (COrticoid), kháng sinh dự phòng, SAT, giảm đau, rửa vết thương, băng bó tại chỗ rồi nhanh chóng làm thủ tục, chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế cấp cao hơn để tiếp tục điều trị và theo dõi. Cuối tháng 12-2024, trong quá trình lao động, phát cây, một chiến sĩ trẻ khác công tác trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Tuy khá lo lắng song anh vẫn kịp đập chết con rắn và gói lại, nhờ đồng đội chuyển đến Bệnh viện Quân y 13 để các y bác sĩ thuận tiện hơn trong quá trình thăm khám, điều trị. Nhờ được cấp cứu kịp thời, sau 10 ngày nằm viện, anh đã hồi phục hoàn toàn.
Những cái bắt tay thật chặt, những lời cảm ơn xuất phát từ đáy lòng của những người bệnh trong ngày vui đoàn tụ cùng người thân, gia đình là động lực tinh thần to lớn để cán bộ, nhân viên Khoa Cấp cứu không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt hơn sứ mệnh cứu người.
Bài và ảnh: TRỌNG KHANG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/nam-ran-noi-chuyen-ve-nhung-nguoi-khac-tinh-cua-ran-814006