Chuyện thú vị về loài rắn

Chuyện thú vị về loài rắn
4 giờ trướcBài gốc
Khám phá trại rắn Đồng Tâm
Tọa lạc tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trại rắn Đồng Tâm được mệnh danh là trại nuôi rắn lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam. Đây không chỉ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các loài rắn mà còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu về các loại rắn.
Trại rắn Đồng Tâm được thành lập vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với mục đích lấy nọc rắn sản xuất huyết thanh và trồng các loại cây dược liệu để lưu trữ, nhân giống, phục vụ việc chữa bệnh.
Ban đầu, trại chỉ có một số ít loài rắn được nuôi để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và bảo tồn. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng, trại rắn Đồng Tâm hiện nay đã trở thành một mô hình nuôi rắn quy mô lớn, phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi trồng động vật hoang dã tại Việt Nam.
Với diện tích khoảng 20ha, trại rắn Đồng Tâm có hệ thống chuồng trại và khu vực sinh trưởng cho các loài rắn được bố trí khoa học, tạo ra môi trường sống tự nhiên và thuận lợi cho sự phát triển của chúng. Hiện nay, trại nuôi hơn 40 loài rắn, bao gồm nhiều loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, như rắn hổ mang, rắn nước, rắn lục… Chính từ sự đa dạng loài cùng hệ sinh thái độc đáo đã khiến nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ông Alex Sasa, du khách Nga, chia sẻ: "Đất nước chúng tôi rất lạnh nên có ít loài rắn. Vì vậy hôm nay đi tham quan tại đây, tôi cảm thấy rất thú vị bởi nhiều loại rắn ở đây. Tuy nhiên, tôi thực sự không dám sờ vào chúng vì sợ."
Trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang là một mô hình thành công trong việc kết hợp nuôi dưỡng, bảo tồn động vật hoang dã và phát triển du lịch sinh thái. Trại không chỉ giúp bảo tồn các loài rắn quý hiếm mà còn mang lại giá trị kinh tế và y học quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ loài động vật đáng sợ nhưng cũng thú vị này.
Đến năm 2025, trại rắn Đồng Tâm không chỉ tiếp tục phát triển quy mô, mà còn trở thành một địa chỉ uy tín trong việc nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã. Trại dự định mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã trong và ngoài nước. Với những nỗ lực không ngừng, trại rắn Đồng Tâm hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm sáng trong ngành nuôi trồng và bảo tồn động vật tại Việt Nam. Và trước hết, sẽ là điểm du lịch hấp dẫn và ấn tượng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bác sĩ Lê Văn Tâm, Phó Trưởng khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm cho biết: "Theo tôi nghĩ, rắn được chọn làm biểu tượng của năm Ất Tỵ vì thứ nhất, theo quan niệm dân gian, rắn là loài đặc trưng cho biểu hiện của sự linh hoạt, sự nhanh nhẹ và trí tuệ. Về mặt sinh học, chúng tôi nhận thấy trong quá trình di chuyển, rắn rất uyển chuyển; trong động tác bắt mồi của rắn thể hiện sự hùng mạnh; trong đời sống sinh lý của rắn thì có thời gian lột xác, đó là một sự tái sinh; đặc biệt nọc rắn có thể giết con người. Trong truyền thống văn hóa, rắn đã nằm trong truyền thuyết thần thoại của con người và hiện nay nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về giá trị y học của rắn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tôi thấy con rắn là biểu tưởng của năm rất là đúng."
Câu chuyện chăm sóc và bảo tồn
Không phải du khách đến tham quan du lịch nhưng anh Huỳnh Thiện Nhân (phường Phú Tân, tỉnh Bến Tre) đến trại rắn Đồng Tâm để bàn giao lại cho trại một chú trăn vừa được anh mua với giá gần 7 triệu đồng từ người dân. Trong những năm qua, anh và nhóm bạn tình nguyện của mình đã cứu hộ và bàn giao gần 20 con rắn và trăn cho những cán bộ, nhân viên tại trại rắn Đồng Tâm nuôi dưỡng và bảo tồn.
Với anh Thiện Nhân, việc bảo tồn những loài động vật bò sát, hoang dã như rắn, trăn là một điều rất ý nghĩa và cần thiết.
Với nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái hoang dã, Trại rắn Đồng Tâm đã trở thành nơi chăm sóc, bảo tồn và tiếp nhận hơn 1.000 cá thể rắn với hơn 40 loài khác nhau. Công tác chăm sóc rắn tại đây được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển tối ưu của từng loài. Theo đó, trại rắn được chia thành ba khu vực chăm sóc rắn gồm: khu vực hồ nước, khu nuôi rắn độc và khu nuôi trăn. Mỗi khu vực đều có một mục đích riêng nhằm tạo nên một môi trường nuôi dưỡng và phát triển rắn tốt nhất.
Các nhân viên của trại thường xuyên kiểm tra sức khỏe của rắn, đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý và môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Thức ăn chủ yếu của rắn là các loài động vật nhỏ như chuột, gà, lươn, ếch, các loài cá… Đặc biệt, trại cũng chú trọng đến việc nghiên cứu về khả năng sinh sản của các loài rắn, giúp nhân giống và bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Mỗi ngày, một con rắn hổ chúa ăn khoảng 1,5kg rắn nhỏ một lần. Trong khi đó, các loài rắn hổ chỉ ăn cóc, nhái và chuột là chủ yếu. Với khẩu phần ăn đầy dinh dưỡng như vậy, các loài rắn ở đây đều phát triển bình thường và vô cùng khỏe mạnh.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, nhân viên trại rắn Đồng Tâm, chia sẻ: "Công tác của tôi là chăm sóc đàn rắn cho đơn vị. Công việc hằng ngày của tôi gồm kiểm tra lồng chuồng, đảm bảo an toàn mọi mặt, kiểm tra sức khỏe đàn rắn. Trung tâm nuôi nhiều loại rắn độc như hổ chúa, hổ mang, hổ mèo, rắn lục đuôi đỏ,... cùng những loài rắn không độc. Đối với những loài rắn độc thì việc chăm sóc phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người chăm sóc và du khách. Để chăm sóc như thế thì phải hiểu biết từng loại, từng con. Để làm được công việc đó, tôi phải học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước."
Công tác chăm sóc và bảo tồn đã và đang được trại rắn Đồng Tâm thực hiện nghiêm ngặt mỗi ngày. Từ đó, mang đến một hệ sinh thái du lịch thiên nhiên hấp dẫn, trở thành điểm đến tham quan và khám phá cho mọi người dân.
Kỳ vọng rằng nỗ lực chăm sóc và bảo tồn của trại rắn Đồng Tâm nói riêng và các tổ chức, đơn vị bảo tồn thiên nhiên Việt Nam sẽ luôn được duy trì, góp phần phát triển du lịch sinh thái của đất nước, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã và sự quan trọng của việc duy trì đa dạng sinh học.
Huyết thanh rắn độc: Sự kết hợp giữa thiên nhiên và y học
Rắn không chỉ là những sinh vật huyền bí trong thế giới tự nhiên, mà còn là đối tượng nghiên cứu quan trọng trong y học. Tại trại rắn Đồng Tâm, tỉnh Tiền Giang, có hàng ngàn cá thể rắn đang được nuôi nhốt để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học. Nọc rắn độc được thu hoạch tại đây được xem là nguồn nguyên liệu chính để cung cấp cho viện vắc-xin Nha Trang nhằm sản xuất huyết thanh kháng độc, giúp điều trị và cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.
Tại đây, mỗi loài rắn đều được nuôi dưỡng trong điều kiện nghiêm ngặt, đảm bảo sức khỏe và môi trường sống phù hợp để thu được nguồn nọc rắn đạt chất lượng cao. Điển hình trong số đó là loài rắn lục đuôi đỏ, với vẻ ngoài xanh rực rỡ nhưng ẩn chứa nọc độc nguy hiểm chết người, là mối đe dọa tiềm tàng và thường xuyên ở nhiều vùng quê Việt Nam.
Nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đều gặp phải tình trạng sưng tấy nghiêm trọng, đau đớn dữ dội, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử hoặc tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Huyết thanh kháng độc rắn đã trở thành "vị cứu tinh" cho những người không may bị rắn độc cắn, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi điều kiện tiếp cận y tế còn hạn chế. Mỗi liều huyết thanh không chỉ là thành quả của khoa học hiện đại mà còn là minh chứng cho sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng nhân ái của con người.
Đỗ Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/chuyen-thu-vi-ve-loai-ran-300080.htm