Ăn
Nhà kinh tế học cũng phải ăn, phi hành gia cũng phải ăn, tổng thống cũng phải ăn và thi sĩ thì cũng phải ăn. Người giàu cũng phải ăn mà người nghèo cũng phải ăn. Chỉ là cách ăn khác nhau, chất lượng khác nhau, trạng thái khác nhau, và cảm xúc, thái độ với thức ăn khác nhau.
Thu hoạch hành tây ở Đà Lạt để đưa về thị trường lớn TPHCM. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Cứ nhìn cách một con người đối diện với chuyện “ăn”, ta sẽ nhận ra được một phần cơ bản của người đó.
Cứ nhìn cách cộng đồng của một quốc gia đối diện với thức ăn, con vật, thảo mộc, nông phẩm... ta sẽ nhận ra bản chất của cộng đồng người ở đó.
Xưa tiền nhân, ông cha, ăn uống nhẹ nhàng, dẫu nghèo cũng đặt tiêu chí sao cho thanh bần, giữ nhân cách, văn minh, tránh rơi vào phàm phu, ăn tục, ham ăn uống. Bỗng một ngày, cháu con hậu sanh mê ăn, mê tiệc, mê tùng, bày trò, bày trận, “chiến trường ẩm thực”. Ăn bất cứ con vật gì biết chạy, biết bơi, biết bay, biết bò đã trưởng thành hoặc còn ấu thơ. Trong cộng đồng, có những lớp người còn muốn ăn những thứ lạ, hiếm, quý ở dưới biển, sông ngòi, trên rừng, giữa trời. Gọi đó là “thưởng thức”, “trải nghiệm”, “hiểu biết”, thậm chí cho là “văn hóa ẩm thực”. Văn hóa là phải có giá trị đạo đức trong từng món ăn kia chứ không phải khoác vào cái vỏ ngôn ngữ nào đó, rồi cùng nhau (những người ham ăn) cùng nhau gọi. Thế giới Ăn như “quét” sạch mặt đất, lòng biển, bầu trời.
Sự ham ăn, ham uống, ham chơi làm mờ mắt con người cả rồi, khiến ít người còn quay lại với những lối ăn lành, ăn đơn sơ, ăn tử tế, và ngay cả trong sản xuất trồng trọt cũng bằng ý thức nhân tính, thuận hòa với thiên nhiên, và có đạo đức.
Sự ham ăn, ham uống, ham chơi làm mờ mắt con người cả rồi, khiến ít người còn quay lại với những lối ăn lành, ăn đơn sơ, ăn tử tế, và ngay cả trong sản xuất trồng trọt cũng bằng ý thức nhân tính, thuận hòa với thiên nhiên, và có đạo đức.
Trồng
Từ ăn đến việc tạo ra cái ăn là một chuỗi gắn bó nhau. Ở đây, đến thế kỷ này con người đã không còn làm nông nghiệp theo lối thuận thiên nữa rồi, mà là phải đạt năng suất cao trên đầu diện tích, thu về được nhiều lợi, nhiều tiền. Để thế, phải bám vào các thế hệ hóa chất, là nền kinh tế mua và bán phân, thuốc trừ sâu, chống nấm, thuốc kích thích rễ, dưỡng lá, dưỡng trái, chữa thối nhũn... Đất đai quay vòng chóng mặt, nó làm việc quá sức, không có thời gian “ngơi” để tái tạo vi sinh tự nhiên, trung hòa nên sâu bệnh tràn lan, vì chúng phải biến đổi cấu trúc sinh học, gen, để tồn tại. Nên, thế hệ cây trồng mới là thế hệ chỉ có thể tồn tại, chung sống với hóa chất, thuốc dưỡng. Hệ miễn dịch của thực vật bị liệt kháng bởi thuốc.
Sống bằng nghề đánh cá tự nhiên trên sông ngòi. Chỉ cá tự nhiên, không phải cá nuôi, thì mới “sạch” tuyệt đối. Nhưng giá quá cao, mấy người chọn mua ăn.Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Khuyên thế nhân hướng đến đạo đức trong sản xuất hóa chất trong ngành nông nghiệp và canh tác nương theo thiên nhiên, đảm bảo tuyệt đối về an toàn sức khỏe cho con người thay vì năng suất, lợi nhuận, sẽ giống như khuyên những kẻ khai thác cát trên các dòng sông đừng hút cát mãi thế sẽ phá nát hết các dòng sông; như bảo những người làm nghề buôn bán thịt đừng giết mổ nữa để khỏi mang tội sát sanh. Cũng giống như bảo những người khai thác gỗ trong các cánh rừng tự nhiên trên thế giới đừng hạ gỗ, những chủ hầm mỏ đừng bạt núi, đục lòng đất toang hoang nữa vì tai họa lũ lụt sẽ gây ra cho đồng loại, mất không gian sinh tồn của các loài động vật khác. Đó là “nghề” của người ta, họ sẽ nghĩ về nó như là mưu sinh mà không có vấn đề về môi trường tự nhiên hay sinh mạng một con vật.
Đời thật chảy theo dòng “ác”, còn ước mơ và giáo dục đi theo dòng đạo đức, nhân tính. Cứ nhìn cách họ tiếp nhận thuốc trừ sâu và cách dùng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, rẫy, vườn... ta sẽ nhận ra đạo đức của chủ thể ấy trong sử dụng hóa chất để tạo ra nông phẩm cung cấp cho con người. Cả thế giới cuồng điên như thế chứ không riêng nước nào. Chỉ là quốc gia nào quyết liệt vì sinh mạng chúng sinh, thật sự thành tâm với chủng nòi cao thì khả năng kiểm soát những nguy cơ gây độc hại, bảo an cho cộng đồng được khá hoặc tốt hơn mà thôi.
Thế đó, nhưng như nông dân, họ biết cây rau nào không an toàn cho người thân họ nếu ăn vào, thì những người sản xuất ra những hàng tiêu dùng công nghiệp biết đâu là chỗ “hại” của sản phẩm mình tham gia tạo ra. Nó như chủ nhân của các mạng xã hội, nó biết đâu là chỗ tàn bạo “giết não” của mạng xã hội nên trẻ thơ trong gia đình họ, họ không bao giờ cho xài mạng xã hội. Quy luật muôn đời, kẻ nào tạo ra thuốc độc, kẻ đó biết “thuốc” giải độc.
Muốn khác đi, thì ta tự trồng rau mà ăn, tự sản xuất mà xài. Cuộc cơ cầu sinh tồn quá khốc liệt, để đáp ứng nhu cầu “Ăn”.
Nắm thóp “loài của tiêu dùng”
Cả nhân loại đang lao vào sản xuất hàng hóa để bán, đến độ nhiều vật dụng không thực sự cần thiết cũng bỗng thành “hàng hóa”. Mọi thứ hàng hóa dội thẳng vào mặt người từng giây từng phút khi chiếc điện thoại di động trên tay. Hàng hóa không bao giờ để cho con người được yên, kể cả khi ta ngủ.
Muốn sống thuận thiên, là phải hiền, hoàn toàn thuần thiện. Phải không có nhiều ham muốn. Là phải sống tối giản. Là giảm ham cầu, sản xuất trong tinh thần ít lợi lại, hướng thiện thực sự, chứ chưa cần đặt ra buông xả, ly tham. Mấy người sẽ dám ?!
Loài người đang bị những nhà sản xuất hàng tiêu dùng trên khắp hoàn vũ thao túng, dẫn đi, cuốn vào dòng xoáy thác lũ đó, khiến tất cả mờ về những khái niệm tử tế.
Bây giờ con người ngày càng sống lệch hẳn về vật chất, mua sắm, tiêu dùng. Một trần gian với thế giới tiêu dùng hỗn loạn, bởi điệp trùng những hàng hóa vô tận trước sức sản xuất quá rực lửa sôi sục mà chính nó làm quá sức chịu đựng của mặt đất lẫn vỏ Trái đất, cũng như các loài để đáp ứng cho con người, dẫu cho thực tế con người không cần đến mức sản xuất hay sự tiện ích đến như thế.
Vận mệnh của con người với tư cách loài thượng đẳng trong muôn loài động vật thì không chỉ chúi mũi mãi vào hưởng thụ, mà còn quan trọng hơn là tăng trưởng nhân tính. Nhân tính là thoát khỏi lối sống hoang dã chỉ thuần túy bản năng với mọi sinh hoạt chỉ phục vụ cho thân xác như các loài khác, trong khi tăng trưởng thế giới ý thức và tinh thần bao gồm tình thương đồng loại cũng như muôn loài; không tàn hại thiên nhiên; phát triển giáo dục và có đạo đức, trách nhiệm, lương tri. Mà xã hội tiêu xài là xã hội làm tổn thương thiên nhiên, kích thích, tiếp tay cho phá hủy thiên nhiên ở mọi góc độ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vô tận bất chấp đạo đức và trách nhiệm.
Chủ nghĩa tôn sùng hàng hóa và chủ nghĩa tiêu xài là thứ hấp dẫn con người nhất, dễ lây lan và chiếm ngự, vượt qua tất cả để chiếm ngôi vương trong tâm trí con người.
“Màu sơn” ngôn từ
Chúng ta đều thương con người, nhưng chúng ta vẫn cứ làm bậy. Làm bậy như một phản xạ, trong thâm tâm không hề cố ý hại người, chỉ cái phản xạ thôi, dù phản xạ đó nó lại hại đến người. Như thể không hành dân (nếu nghề là công chức), hoặc không cau có với bệnh nhân (nếu nghề là bác sĩ, y tá ở bệnh viện), hoặc sử dụng hóa chất nồng độ độc tính cao (nếu làm nghề sản xuất hàng hóa)… là thuộc về “ai đó mới thế” chứ không phải mình. Tự vỗ về mình, cùng nhau làm nguy khốn, gây đau thương cho nhau mà không thấy có lỗi với nhân thế.
Trong một trang trại trồng lan Hồ điệp. Ảnh: N.H.T
Mua sắm, tiêu xài hàng hóa mà như... chinh phục... hàng hóa. Con người giờ có khi rõ là nô lệ của hàng hóa nhưng nào hay. Nó làm người mông muội ra. Thời của mông muội... hàng hóa.
Điều này thì chắc đám đông chúng ta chưa sáng mắt đâu.
Thiên hạ hay dùng khái niệm “xanh” cho nhiều thứ hàng hóa nhưng thực ra vẫn chỉ là mục tiêu... tiêu thụ. Mọi sản phẩm công nghiệp đều từ khoáng sản, đào lên mà chế tạo ra mà. Đơn giản hơn, mỗi hàng hóa đều dùng túi nylon để đựng, xách mang đi. Đi siêu thị, chợ… ai sẽ là người thể hiện sự văn minh bằng cầm cái túi xách bằng giỏ đan từ cây lát, lá dừa, tre nứa, dù đó mới là bằng chứng cụ thể của hành động “sống xanh”, bảo vệ môi trường, thiên nhiên? Chúng ta đang tự dối mình về bảo vệ thiên nhiên. Người tiêu thụ càng nhiều thì góp phần phá thiên nhiên càng nhiều.
Tất cả như “màu”, sơn lên cái vỏ, tự huyễn, vỗ về nhau, hoặc nói lên ước mơ về điều cao cả.
Cơn mê sảng
Mua sắm, tiêu xài hàng hóa mà như... chinh phục... hàng hóa. Con người giờ có khi rõ là nô lệ của hàng hóa nhưng nào hay. Nó làm người mông muội ra. Thời của mông muội... hàng hóa.
Điều này thì chắc đám đông chúng ta chưa sáng mắt đâu, vì vẫn đang trong cơn mê tuyệt vời kia. Nhưng hàng hóa, nhất là công nghiệp, chế biến, kỹ nghệ, phần nhiều là phản bội, chống lại thiên nhiên.
Và chúng ta nhìn thấy cả thế giới này là một “cái chợ”, ấy điều thú vị, bởi tiện sắm, tiện xài, người nước nào cũng như nhau. Nhưng đó chỉ là cảm giác, ảo giác về thú vị. Còn thực ra bên trong nó là chồng chất những phức tạp, đầy rẫy bất công trong đó, giữa nước lớn với nước bé, dân nước giàu với dân nước nghèo, dân nước sản xuất ra hàng hóa với dân nước chỉ có tiêu thụ. Hàng hóa kém phẩm chất, ít an toàn sức khỏe, nhất là thiệt thòi về môi sinh, thì thường nước nghèo, kém phát triển hơn hứng hết.
Cả thế giới đã phát triển và đang tiếp tục phát triển thêm, nhưng là phát triển “trên đầu” của thiên nhiên. Con người đã quen với nhận thức xem thiên nhiên phải phục vụ con người như một sự tất yếu. Nó cũng như một lịch sử dài lâu khai thác gỗ rừng cùng muôn ngàn loại lâm sản khác để phục vụ cho nhu cầu của con người. Nên, có hành động tàn bạo hơn nữa với thiên nhiên cũng không là vấn đề khiến con người băn khoăn. Bởi con người thì không chấm điểm con người về đạo đức với thiên nhiên, còn các loài khác thì không thể phản đối con người.
Đưa cộng đồng, quốc gia, địa cầu, thiên nhiên vào tàn hại, nguy cơ dẫn tới những thảm họa thiên tai lớn, mất cân bằng sinh thái, cuộc sống không còn an toàn, bệnh tật sinh phát nhiều... chắc chắn rốt cuộc mới là cái hậu quả lớn nhất cho sự mông muội đó.
Ai “chịu” sống mộc mạc?
Đến thế kỷ này rồi, có hôm ta chợt nhận ra rằng chỉ có sống thuận thiên, thật đơn sơ, mộc mạc, chỉ cần vừa đủ bằng nương theo trời đất chứ không cưỡng ép đất trời mới không tệ bạc, làm tổn thương cho nhân sinh, thiên nhiên, muôn loài được. Nhưng ai sẽ chịu sống mộc mạc, đơn sơ đây?!
Muốn sống thuận thiên, là phải hiền, hoàn toàn thuần thiện. Phải không có nhiều ham muốn. Là phải sống tối giản. Là giảm ham cầu, sản xuất trong tinh thần ít lợi lại, hướng thiện thực sự, chứ chưa cần đặt ra buông xả, ly tham. Mấy người sẽ dám?! Bởi trên ruộng, vườn, rẫy, trang trại, vuông tôm, ao cá, chuồng, công xưởng, nhà máy... đều phải xem nhẹ năng suất cao, tăng lượng nhanh, xuất xưởng sớm, lợi nhuận tăng... để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và đạo đức. Ai dám sống với “tối giản”, cái cuộc sống đảm bảo dưỡng chất, những sinh hoạt chỉ cần cơ bản, không thiếu, mà không cần dư thừa, sang trọng, khoe khoang? Ai dám tự hào cất những căn nhà với chất liệu đơn sơ không làm tổn thương nhiều đến thiên nhiên, để ở (!?). Ai sẽ từ bỏ sự nhanh, tiện, ít mất công, tính cạnh tranh mạnh, năng suất cao, tiền thu được nhiều để... canh tác thuận thiên? Điều này quá khó với loài người ở thời buổi mà cuộc sinh tồn quá khốc liệt, bởi cái gì cũng phải tốn tiền, kiếm công ăn việc làm quá khó, và cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm luôn khốc liệt. Cuộc sinh tồn đang quá điên cuồng, mà ở đó ngấm ngầm lương tri và đạo đức phải (tạm) lùi lại.
Con người cần “lợi” hơn cần “lành”, khi luôn hăng say, khát vọng, chinh phục vật chất, hàng hóa, ăn, xài. Yêu cầu con người đừng tham - sân - si là khó lắm, bất khả. Rất khó để làm con người tự vấn hay nghĩ lại. Mọi thứ cứ như thể: Thà cùng “chết chùm”! Thà đắc tội với thiên nhiên chứ không thể “thua người”; chứ không thể chọn nghèo hơn, ít đồ đạc hơn, nhà cửa đơn sơ, xe cộ, máy móc, tiện nghi ít, hoặc không có sự hãnh diện nào! Kết cục tồi tệ đó sẽ diễn ra nếu như những giá trị nhân tính tiếp tục thụt lùi, trong khi chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ tiếp tục thống trị trí não người đời và những giá trị văn minh phổ quát bị co cụm không còn ý nghĩa hay sự mạnh mẽ nữa.
Sinh tồn, là định mệnh!
Nguyễn Hàng Tình