Thành tích chưa từng có
Trong số 1.088 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM đợt ngày 25/4 và 26/4, Lã Nguyễn Gia Hy - Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính là sinh viên có thành tích nổi trội. Huy được nhà trường khen tặng huy chương Vàng và vinh danh tại lễ tốt nghiệp.
Nam sinh tốt nghiệp trước nửa năm, xếp loại xuất sắc với điểm trung bình tích lũy - GPA 4/4.0 - hiếm có trong lịch sử Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TPHCM. Trước Gia Hy, trường từng có sinh viên đạt điểm 4.0 nhưng không tốt nghiệp sớm.
Lã Nguyễn Gia Hy tốt nghiệp trước hạn, xếp loại xuất sắc với GPA 4/4.0 Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: NVCC
Ngoài đạt điểm trung bình tích lũy tuyệt đối, Gia Hy còn sở hữu hàng loạt thành tích khủng, như: Chứng chỉ IELTS 8.0; Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐH Quốc gia, cấp trường năm 2023, 2024; Sinh viên xuất sắc toàn diện năm học 2023-2024; Đạt học bổng khuyến khích học tập 6 học kỳ liên tiếp,...
"Em hoàn tất chương trình cuối năm ngoái và biết điểm GPA 4.0 trước Tết, lúc đó em rất vui nhưng không bất ngờ vì đây là mục tiêu trong kế hoạch", Hy bày tỏ.
Từng là học sinh chuyên Toán của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), Gia Hy được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhờ đoạt giải Nhì quốc gia môn Toán. Thời phổ thông, Hy cũng là “gương mặt vàng” tại các kỳ thi: Huy chương vàng Olympic 30/4 lớp 10, giải Nhất học sinh giỏi TPHCM lớp 11 và đạt điểm tuyệt đối tại cuộc thi SASMO (Singapore & Asian Schools Math Olympiad).
Nói về lý do theo đuổi chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI), Hy cho biết niềm đam mê với lĩnh vực này bắt đầu từ những ngày Hy tò mò tìm hiểu về AlphaGo - hệ thống AI có thể đánh bại cao thủ cờ vây thế giới.
“Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các mô hình AI như ChatGPT hay Deepseek càng khiến mình tò mò và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cách những hệ thống này hoạt động. Các môn học trên trường như học máy và nhập môn trí tuệ nhân tạo đã giúp tôi tiếp cận nền tảng kiến thức bài bản, từ đó càng làm rõ hơn đam mê và định hướng lâu dài của em với lĩnh vực này”, Gia Hy chia sẻ.
Thành công đến từ sự chuẩn bị
Ngay từ khi vào Bách khoa, Hy xác định không có lối tắt cho việc học. Em chủ động lên kế hoạch, tận dụng thời gian hiệu quả để giữ vững thành tích mà không cần học thâu đêm. Ngoài giờ học, Hy đọc sách, nghe nhạc mỗi ngày và chơi thể thao cuối tuần để giữ tinh thần tích cực.
Trong kỳ nghỉ hè, Hy tự học trước các môn cơ sở và chuyên ngành. Khi vào năm học, em đã nắm được nội dung cơ bản, giúp việc ôn thi và làm bài tập lớn nhẹ nhàng hơn. Nam sinh lên kế hoạch môn học từ đầu năm, tìm giáo trình, tài liệu và học trước qua mạng.
Gia Hy (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm nghiên cứu của khoa. Ảnh: NVCC
Thay vì học theo slide vì ngắn gọn, Hy vẫn đọc kỹ giáo trình – mỗi cuốn 400-500 trang và kết hợp slide để hiểu sâu. Em cũng xem thêm video trên YouTube và làm đề thi các trường khác để mở rộng kiến thức. Nhờ đó, Hy duy trì điểm cao và nhận học bổng liên tục suốt 6 học kỳ.
Dù không thích tất cả các môn, Hy giữ kỷ luật tự học mỗi ngày, đều đặn đọc giáo trình và làm bài tập. Để rút ngắn thời gian học, em tìm hiểu kỹ quy chế, lên kế hoạch học tập phù hợp.
"Biết cần hoàn thành đồ án chuyên ngành trước đồ án tốt nghiệp, em làm sớm từ năm 3. Đó cũng là giai đoạn áp lực nhất vì vừa làm đồ án, vừa tìm nơi thực tập, vừa học môn khó nhất là Nguyên lý ngôn ngữ lập trình", Hy nói.
Hoàn thành đồ án sớm giúp Hy có học kỳ cuối nhẹ nhàng với chỉ 7 tín chỉ, bao gồm đồ án tốt nghiệp. Em tận dụng thời gian này học cải thiện các môn xã hội để đều đạt điểm A. Điều duy nhất nam sinh còn tiếc trong quãng đời sinh viên là không tham gia nghiên cứu khoa học sớm hơn. Phải đến cuối năm ba, Hy mới bắt đầu với hai dự án: Chatbot tư vấn tuyển sinh và hệ thống AI phân loại rác.
Với định hướng học lên tiến sĩ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Hy đang nộp hồ sơ ứng tuyển một số đại học châu Á, châu Âu, Mỹ. Nam sinh ưu tiên các chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ có học bổng toàn phần.
Trong những năm ở giảng đường đại học, Gia Hy từng tham gia nhiều dự án nghiên cứu trong lĩnh vực AI như: Chatbot tư vấn tuyển sinh, hệ thống phân loại rác bằng AI... Đặc biệt, đề tài tốt nghiệp nghiên cứu phân loại rác bằng học tự giám sát không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn mang tính ứng dụng cao.
Hiện em là thành viên nhóm nghiên cứu URA dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Quản Thành Thơ, đồng thời là tác giả chính của một bài báo khoa học đã gửi đến hội nghị quốc tế chuyên về thị giác máy tính. Bài viết đề xuất phương pháp học không giám sát, giúp mô hình phân loại hình ảnh mà không cần nhãn do con người cung cấp.
Anh Nhàn