Bác sĩ Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, xác nhận bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp biến chứng nặng do điều trị bỏng bằng phương pháp dân gian.
Bệnh nhi N.H.A. (14 tuổi, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, các vết bỏng chuyển đen, chảy dịch và có dấu hiệu hoại tử. Tổn thương xuất hiện trên diện rộng, bao gồm ngực, bụng, đùi và cẳng tay.
Bác sĩ Thái Văn Bình đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh Phan Ngọc
Theo lời kể của gia đình, gần một tháng trước, bệnh nhi bị bỏng cồn và được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong 3 ngày. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục điều trị theo hướng dẫn, gia đình đã đưa em về nhà và áp dụng phương pháp đắp thuốc nam từ một thầy lang trong vùng.
Sau 26 ngày, vết thương không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn, khiến em đau đớn, mưng mủ và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bỏng cồn độ II-III, diện tích tổn thương chiếm 20% cơ thể. Lớp thuốc nam bám chặt vào vết thương, làm tình trạng nhiễm trùng thêm nặng.
Bệnh nhân được truyền dịch, nâng cao thể trạng và lên kế hoạch cắt lọc vùng hoại tử, đồng thời chuẩn bị ghép da để phục hồi tổn thương.
Bác sĩ Bình cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, khoa đã tiếp nhận gần 70 trường hợp trẻ bị bỏng, trong đó không ít ca bị biến chứng nặng do điều trị sai cách tại nhà.
"Bỏng là tổn thương nghiêm trọng, nếu không xử lý đúng cách sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử. Người dân tuyệt đối không nên sử dụng các phương pháp dân gian như bôi dầu, đắp lá cây, lòng đỏ trứng hay kem đánh răng lên vùng bỏng. Những cách làm này không có cơ sở khoa học, có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn", bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến cáo, khi bị bỏng, cần nhanh chóng rửa vùng bị tổn thương dưới nước sạch, giữ vệ sinh vết thương và đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Gia Ân