Ngày 25/7, TS.BS Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện JW (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân L. được chẩn đoán bị viêm mô hoại tử do ổ áp xe lan rộng bên dưới vùng cằm, một biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời. Êkíp bác sĩ Bệnh viện JW đã lập tức kích hoạt quy trình mổ khẩn cấp trong đêm.
Cằm anh L. sưng to, tấy đỏ bất thường như “phát sáng”. Ảnh: BV
Theo anh L. chia sẻ, trước đó anh đã tiêm filler nhiều lần ở Hồng Kông để cải thiện dáng cằm. Do không hài lòng, anh tiếp tục tiêm tan filler nhưng chỉ sau 2 tháng lại tiêm thêm 4cc filler mới vào vùng cằm, gây tổn thương nghiêm trọng cho tổ chức mô tại đây. Sau khi tìm hiểu thông tin, anh đã bay từ Hồng Kông về Việt Nam với hy vọng tìm được hướng điều trị an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung cho biết, trong suốt 3 giờ phẫu thuật, êkíp đã nạo hút triệt để toàn bộ filler còn tồn dư và xử lý các ổ mủ viêm lan sâu. Quá trình phẫu thuật được thực hiện qua đường mổ bên trong khoang miệng, giúp bảo toàn yếu tố thẩm mỹ và tránh để lại sẹo. Theo bác sĩ Dung, điểm đặc biệt ở cả ca phẫu thuật này là việc ứng dụng kỹ thuật siêu âm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong nạo filler lần đầu tiên tại Việt Nam.
Bác sĩ ứng dụng kỹ thuật siêu âm tích hợp AI trong nạo filler lần đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: BV
Với công nghệ siêu âm AI, các bác sĩ nhận diện chính xác vùng filler đã tiêm, kể cả khi chất làm đầy đã xâm lấn sâu vào lớp cơ hoặc lan xuống nhiều lớp mô khác nhau. Từ đó, các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí, độ sâu và giới hạn lan tỏa của filler trong mô cơ, mô dưới da hoặc mô liên kết, giúp tiếp cận chính xác vị trí cần nạo mà không gây tổn thương mạch máu, hay mô lành xung quanh. Đồng thời theo dõi trực tiếp tiến trình nạo hút trên màn hình, các bác sĩ kiểm soát được khối lượng filler còn tồn đọng sau mỗi thao tác. Nhờ vậy, việc nạo hút filler trở nên chính xác, triệt để và an toàn hơn cho bệnh nhân.
“Đặc điểm của nạn nhân bị tiêm filler là bị tiêm “vô tổ chức” vô cùng phức tạp, đây luôn là một thử thách đối với bác sĩ phẫu thuật. Phẫu thuật viên không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm hay mắt thường. Do đó, máy siêu âm trở thành “mắt thần” giúp chúng tôi định vị tổn thương nhanh hơn, chính xác hơn. Hệ thống siêu âm AI giúp bác sĩ dẫn hướng dụng cụ can thiệp một cách an toàn, rút ngắn thời gian phẫu thuật và hạn chế tối đa biến chứng. Đây là bước tiến quan trọng trong điều trị biến chứng thẩm mỹ, góp phần nâng cao độ chính xác trong phẫu thuật tái tạo và từng bước chuẩn hóa quy trình xử lý filler tại Việt Nam”, bác sĩ Tú Dung chia sẻ.
Sau 3 giờ phẫu thuật, êkíp đã nạo hút triệt để toàn bộ filler còn tồn dư và xử lý các ổ mủ viêm lan sâu. Ảnh: BV
Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung đưa ra cảnh báo về thực trạng đáng báo động về việc lạm dụng chất làm đầy tại các cơ sở không đủ chuyên môn: Người dân chỉ thực hiện tiêm filler tại các cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa đào tạo bài bản. Không tin vào quảng cáo giá rẻ, tiêm tại nhà, không có nguồn gốc rõ ràng. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường sau tiêm (đau kéo dài, sưng đỏ, biến dạng, mất cảm giác…), cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc