Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí trực tuyến Nature Chemical Biology của Đức số cuối tháng 6/2025 cho biết, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ (UPenn) vừa kết thúc nghiên cứu, tìm thấy loại nấm được xem là có tác dụng bảo vệ thi hài cho các pharaoh Ai Cập cổ đại, trong đó có Vua Tut. Nó có thể trở thành một loại thuốc chống ung thư cực mạnh.
Khám phá này còn giúp hóa giải "lời nguyền pharaoh", vì nó chứa một loại phân tử mới, giúp bảo vệ thi hài các vua Ai Cập cổ đại không bị hủy hoại vì thời gian. Khi A. flavus được chiết xuất từ sinh vật và điều chỉnh, có thể nhắm mục tiêu và phá vỡ sự phân chia tế bào trong bệnh bạch cầu.
A. flavus đã mang đến cho con người loại penicillin mới, hiệu quả cao.
Từ lâu, khoa học đã đưa ra giả thuyết, các bào tử ngủ đông của loại nấm này là nguyên nhân gây ra cái chết của những kẻ trộm mộ. Nó cũng được cho là đã cướp đi sinh mạng của một số phu mộ làm việc tại nơi chôn cất Vua Tutankhamun và cả một số nhà khảo cổ tham gia nghiên cứu các hầm mộ Ai Cập cổ đại. Nay nhờ nghiên cứu, khoa học phát hiện thấy nếu sử dụng theo phương pháp y học, nó lại có đặc tính chống ung thư rất công hiệu, mở ra hướng đi mới trong điều trị bệnh bạch cầu.
Theo Phó GS Hóa sinh Sherry Gao, trưởng nhóm nghiên cứu ở UPenn, A. flavus đã mang đến cho con người loại penicillin mới. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ các thành phần tự nhiên khác mà chúng ta chưa biết. A. flavus thuộc chi lớn gồm khoảng 250 loài và có thể được tìm thấy trên khắp mọi nơi như trong đất, cỏ khô, ngũ cốc và thảm thực vật mục nát. Tiếp xúc lâu dài có thể gây dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng xoang và các bệnh phổi nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sự khét tiếng của nó trong việc giết chết các nhà khảo cổ học tiếp xúc với bào tử ngủ đông lâu năm vẫn đang còn tranh luận.
Nghiên cứu của UPenn không quan tâm đến quá khứ của nó mà quan tâm đến những gì nó có thể mang lại trong tương lai. Từ loại nấm nhỏ bé này, các nhà khoa học đã chiết xuất các hợp chất cụ thể thuộc nhóm được gọi là peptide tổng hợp ribosome và biến đổi sau dịch mã (RiPP) và biến đổi chúng để tăng hiệu lực. Khi thử nghiệm trên các tế bào ung thư, loại thuốc nấm được biến đổi sinh học có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ngay tại chỗ, có hiệu quả tương đương với các loại thuốc hiện tại được Cục Quản lý Thực & Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận để điều trị bệnh bạch cầu.
Như tên gọi, RiPP được tạo ra từ ribosome của tế bào, thành phần nhỏ nhưng rất quan trọng được tìm thấy trong tế bào chất, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tổng hợp protein. Về cơ bản, ribosome giống như đầu bếp của tế bào, lấy công thức nấu ăn (mRNA) và lấy đúng thành phần (axit amin) để tạo ra một món ăn cụ thể (protein) giúp duy trì chức năng và sức khỏe của tế bào. "Quá trình tổng hợp các hợp chất này rất phức tạp, nhưng đó cũng là lý do mang lại cho chúng hoạt tính sinh học đáng chú ý", Phó GS Sherry Gao cho hay.
Nhóm nghiên cứu đã tinh chế 4 RiPP khác nhau, hiện được gọi là asperigimycin, và phát hiện ra rằng hai trong số chúng có tác động đáng kể đến tế bào ung thư. Bằng cách điều khiển một số công tắc di truyền trong tế bào ung thư, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một gen, SLC46A3, đã mở ra cánh cửa tế bào để cho phép asperigimycin xâm nhập hàng loạt. Gen này hoạt động như một cánh cổng, nó không chỉ giúp asperigimycin xâm nhập vào tế bào mà còn có thể cho phép các “peptide vòng” khác làm như vậy".
Và các nghiên cứu sâu hơn đã tiết lộ cách asperigimycin làm rối loạn quá trình phân chia tế bào ung thư. Điều thú vị là asperigimycin chỉ có tác dụng này đối với các tế bào bệnh bạch cầu, chứ không phải ung thư vú, gan hoặc phổi, điều này khiến nó trở nên rất đặc hiệu và rất hứa hẹn như một biện pháp can thiệp y tế mới, chuyên biệt và hiệu quả.
Mặc dù hàng nghìn RiPP đã được tìm thấy trong vi khuẩn, nhưng chúng lại rất hiếm ở nấm, vì vậy khám phá này trở nên đặc biệt thú vị đối với quá trình phát triển các loại thuốc mới và đồng nghĩa còn nhiều điều nữa mà con người chưa biết. Mục tiêu của nghiên cứu hiện là thử nghiệm các hợp chất mới trên mô hình động vật và nếu có triển vọng sẽ thử nghiệm trên người, nhưng cũng phải mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thuốc lâm sàng.
Aspergillus flavus, tên cụ thể là flavus bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là màu vàng, ám chỉ màu sắc thường thấy của bào tử. Sau khi các nhà khảo cổ học mở hầm mộ của Vua Tutankhamun vào những năm 1920, một loạt các ca tử vong trong nhóm khai quật đã làm dấy lên tin đồn về lời nguyền của pharaoh. Nhiều thập kỷ sau, các bác sĩ đưa ra giả thuyết rằng các bào tử nấm, ngủ đông trong nhiều thiên niên kỷ, chính là thủ phạm.
Vào những năm 1970, hàng loạt các nhà khoa học đã vào lăng mộ của Casimir IV ở Ba Lan. Trong vòng vài tuần, 10 người trong số này đã chết. Các cuộc điều tra sau đó đã phát hiện ra lăng mộ có chứa A. flavus, độc tố của nó đã gây nhiễm trùng phổi, nhất là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Khắc Nam