Nan giải niêm yết giá tại chợ

Nan giải niêm yết giá tại chợ
8 giờ trướcBài gốc
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá tại chợ trung tâm xã Mường Nhé.
Văn hóa “mặc cả”
Khảo sát một số chợ trung tâm các xã, phường trên địa bàn tỉnh, hầu hết các loại hàng hóa đều không được niêm yết giá bán, chỉ trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ chế biến đã được nhà sản xuất in trực tiếp trên bao bì. Tại nhiều quầy hàng, việc niêm yết giá nhiều khi chỉ mang tính hình thức nhằm đối phó với lực lượng chức năng như dán ở vị trí mà khách hàng khó có thể quan sát hoặc niêm yết giá theo kiểu nửa vời, nghĩa là chỉ thực hiện đối với một số sản phẩm.
Chị Phạm Thu Phương, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ trung tâm xã Mường Nhé cho biết: Do cửa hàng bán cả trăm mặt hàng khác nhau, giá nhập hàng thường xuyên thay đổi nên khó khăn cho khâu niêm yết. Hơn nữa, cửa hàng có một mình tôi nên những việc hàng ngày như nhập hàng, bán hàng, sắp xếp hàng hóa… bản thân đã làm không hết, làm sao có thời gian ngồi niêm yết giá từng mặt hàng.
Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương chuyên kinh doanh hàng hải sản tươi sống ở chợ Trung tâm 3, phường Điện Biên Phủ cho rằng, mặt hàng chị kinh doanh khác với các mặt hàng khô hay quần áo giầy dép là có giá cả biến động theo ngày, thậm chí là trong ngày. Những ngày ít khách, chị phải hạ giá để bán được hết hàng, nếu cứ bán theo giá niêm yết thì rất khó khăn.
Tại chợ Trung tâm 1, phường Điện Biên Phủ, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương thể hiện văn minh thương mại như không đòi thách, không áp dụng chiêu “mở hàng” để bán giá cao... Và trong nội quy chợ đã ghi rõ “tất cả hàng hóa phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết”. Song đến nay, hầu hết tiểu thương đều không “mặn mà” thực hiện các quy định về niêm yết giá hàng hóa.
Nhiều mặt hàng bày bán tại Chợ trung tâm 1, phường Điện Biên Phủ không niêm yết giá theo quy định.
Chị Nguyễn Bảo An, chủ cửa hàng bán chăn ga gối đệm tại chợ Trung tâm 1 cho biết: Bản thân cũng muốn thực hiện nghiêm túc để góp phần bình ổn giá và tạo môi trường kinh doanh văn minh, nhưng tâm lý của khách hàng muốn “mặc cả” bớt 1, 2 giá so với giá tiền chúng tôi đưa ra, vì vậy, nếu có niêm yết giá trên sản phẩm cũng không có tác dụng. Bởi vậy với mỗi sản phẩm đã gắn giá, tôi đều bớt cho khách hàng từ 20 – 30 nghìn đồng, với mục đích thu hút khách, tăng số lượng bán hàng được nhiều hơn.
Tại một số ki-ốt bán túi xách, quần áo thời trang, giày dép cho thấy, có mặt hàng dù đã được chủ ki-ốt dán hoặc ghi giá lên sản phẩm song so với giá thực bán cho khách vẫn chênh lệch khá nhiều. Nhiều chủ ki-ốt bán theo phương châm “thuận mua vừa bán”, nếu là người quen, khách hàng thân thiết thì bán đúng giá, với khách lạ sẽ đòi thách cao để người mua trả giảm dần xuống. Đơn cử khi chúng tôi hỏi mua một bộ quần áo trẻ em được chủ cửa hàng phát giá là 150.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi mặc cả, chủ hàng đồng ý bán với giá 110.000 đồng.
Khó cả đôi đường
Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong quản lý giá, trong đó mức phạt thấp nhất là 500 nghìn đồng và mức phạt cao nhất lên tới 30 triệu đồng.
Quy định là vậy, song thực tế không chỉ tại các chợ ở khu vực trung tâm mà ở hầu hết xã vùng sâu, vùng xa việc thực hiện niêm yết giá lại càng “lỏng lẻo”. Quá trình mua bán chủ yếu được 2 bên thỏa thuận miệng mà không có niêm yết giá cụ thể trên từng sản phẩm như quy định.
Việc không niêm yết giá bán hàng hóa gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường cho thấy, năm 2024, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 139 vụ không niêm yết giá với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Cũng với hành vi vi phạm này, 6 tháng đầu năm 2025, đã có 5 trường hợp bị xử phạt hành chính. Các trường hợp vi phạm hầu hết tập trung ở cửa hàng tạp hóa nhỏ và quầy hàng, ki-ốt kinh doanh tại các chợ.
Hằng năm lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với ban quản lý chợ tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết. Đồng thời, kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Cường, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm vẫn thiếu tính chủ động do phải trình UBND tỉnh ký quyết định kiểm tra theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 28/2014/TT-BTC. Do đó, phần nào ảnh hưởng đến thời gian thực hiện hoạt động kiểm tra và hiệu quả kiểm tra của người có thẩm quyền trong lực lượng quản lý thị trường.
Việc niêm yết giá thể hiện tính văn minh trong kinh doanh. Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, bản thân các tiểu thương và khách hàng cần phải từ bỏ thói quen nói thách, mặc cả, từ đó, góp phần ngăn chặn vi phạm về giá, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Đồng thời, tăng sức hút cho các chợ truyền thống trong cộng đồng người tiêu dùng.
Thu Hằng
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/nan-giai-niem-yet-gia-tai-cho