Người dân cần cẩn thận khi mua những loại thuốc thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu nước ngoài. Ảnh: Ngọc Hòa
Tiếp tục kiên định, kiên trì với mục tiêu kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt và quét sạch tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là phải "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, chỉ đạo của Thủ tướng mang ý nghĩa cam kết chính trị và đạo đức mạnh mẽ của Chính phủ trong bảo vệ quyền được sống an toàn của Nhân dân. Hàng giả, thuốc giả, thực phẩm giả từ lâu đã âm thầm len lỏi khắp các kênh phân phối, từ chợ đầu mối, cửa khẩu, kho hàng đến các nền tảng thương mại điện tử. Nhưng mức độ tác hại không còn dừng ở thiệt hại kinh tế hay niềm tin tiêu dùng bị xói mòn, mà đã trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Một viên thuốc giả không chữa được bệnh, thậm chí gây ngộ độc; một lô thực phẩm chứa hóa chất độc hại không chỉ ảnh hưởng một cá nhân mà có thể gây hậu quả dây chuyền đến cả cộng đồng. Đó là lý do vì sao Thủ tướng yêu cầu “xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” - bởi những hành vi này không còn là vi phạm đơn thuần, mà là biểu hiện nguy hiểm của tội ác mang tính chất xã hội. Việc ưu tiên thuốc và thực phẩm trong chỉ đạo lần này cũng cho thấy Chính phủ đã xác định đúng điểm nóng: hai nhóm mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến đời sống và sức khỏe người dân. Đó cũng là hai lĩnh vực mà sự giả mạo không chỉ gây ra tổn thất vật chất mà còn làm xói mòn lòng tin vào hệ thống y tế, quản lý thị trường và tính liêm chính của bộ máy nhà nước.
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 50.000 vụ việc vi phạm đã bị phát hiện, hơn 3.200 đối tượng bị khởi tố. Con số này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những nhận định thẳng thắn từ người đứng đầu Chính phủ: Nhiều cán bộ bị mua chuộc, mất ý chí chiến đấu; một số khác lại thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, sợ đụng chạm. Trong khi hàng giả, hàng độc hại tấn công người dân mỗi ngày, thì một bộ phận công chức vẫn còn chọn sự an toàn cá nhân thay vì hành động vì lợi ích công. Đó là điểm nghẽn lớn nhất khiến nhiều vụ việc kéo dài, xử lý không đến nơi đến chốn. Cuộc chiến chống thuốc giả, thực phẩm giả nếu không song hành với xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan, thì khó có thể đạt hiệu quả thực chất.
Điều đáng ghi nhận là chỉ đạo lần này của Thủ tướng không dừng ở lời hiệu triệu, mà đi kèm yêu cầu cụ thể: ra quân thường xuyên, xử lý không có vùng cấm; công khai kết quả điều tra, truy tố; xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân tiếp tay cho sai phạm. Chính phủ yêu cầu “làm ngày, làm đêm, làm cả ngày nghỉ” để ngăn chặn kịp thời các đầu mối buôn bán, sản xuất thuốc và thực phẩm giả.
Rõ ràng, đây không còn là một chiến dịch ngắn hạn mà là một cuộc tổng tiến công dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên tục và đồng bộ giữa các lực lượng công an, quản lý thị trường, y tế, tư pháp và chính quyền địa phương.
Và hơn hết, đó là cuộc chiến không dành cho những người thiếu dũng khí, không dành cho sự thỏa hiệp hay né tránh trách nhiệm.
Việc Chính phủ chính thức đặt thuốc giả, thực phẩm giả vào “vùng đỏ” của cuộc chiến chống hàng gian, hàng lậu là bước đi rất kịp thời và đúng đắn nhằm giữ vững quyền được sống an toàn, được chăm sóc sức khỏe đúng cách của mọi công dân. Trong một nhà nước pháp quyền, không thể có chỗ cho sự thỏa hiệp với tội ác. Và trong một xã hội văn minh, không thể có chỗ cho sự im lặng trước thực phẩm độc hại, thuốc chữa bệnh dởm hay lòng tham vô độ của những kẻ coi thường sinh mạng con người.
Khi quyền được sống trở thành giới hạn đỏ, thì “không khoan nhượng” không phải là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh.
Từ Ân